Web 2.0 - Con Đường Phía Trước


Gần một năm đã qua kể từ khi Tom O’Reilly có bài viết nổi tiếng về Web 2.0 (What’s Web 2.0), rất nhiều trang web 2.0 đã lần lượt ra đời với những thành công và thất bại. Còn bản thân tôi đang viết bài viết này trên Writely.com, một trong những dịch vụ web 2.0 thành công và hữu ích nhất (theo đánh giá của tôi). Nhìn lại những thành bại của web 2.0, có thể thấy không có con đường rải hoa hồng cho bất kỳ một công nghệ nào dù nó có được tung hô đến đâu. Cái cuối cùng còn lại sẽ là những gì thực sự có giá trị. Bài viết này là một cái nhìn lại và thử xem con đường phía trước của các dịch vụ web 2.0 như thế nào.
Web 2.0 từ đâu đến?
Web 2.0 không ra đời từ chỗ “hư không”, đó là sự biến đổi từ lượng (được tích tụ) thành chất, là sự phát triển từ nền tảng web 1.0 còn “sống sót” sau cơn hồng thủy mà người ta quen gọi là quả bong bóng dot-com năm 2001 dẫn tới sự sụp đổ của hàng loạt các công ty cung cấp các dịch vụ trên Internet. Đó là một cơn khủng hoảng tồi tệ và buộc các nhà đầu tư mạo hiểm (venture capitalist) phải thay đổi cách đầu tư vào công nghệ. Câu hỏi đầu tiên cho bất kỳ một dịch vụ web nào mới ra đời không còn là “Triển vọng của dịch vụ này thế nào?” mà là “Dịch vụ này sẽ kiếm tiền bằng cách nào?” - không nhiều người có thể trả lời rõ ràng và tự tin cho câu hỏi này trừ một đó chính là Google.
Google, cỗ máy tìm kiếm phổ biến nhất hiện nay, lặng lẽ thoát ra khỏi quả bong bóng dot-com và chỉ chính thức cổ phần hóa vào năm 2004. Từ đó đến nay giá cổ phiếu của Google đã tăng gần 4 lần và là một trong những cổ phiếu công nghệ hấp dẫn nhất. Trả lời cho câu hỏi “tiền ở đâu?” của Google là AdSense: quảng cáo theo ngữ cảnh, dịch vụ đã góp hơn 95% trong tổng doanh thu khoảng 1,6 tỷ USD (dự đoán năm 2006) của công ty. Nhưng sẽ thật sai lầm nếu bạn nghĩ AdSense chỉ đơn thuần là những quảng cáo trên trang tìm kiếm Google, thực tế bạn có thể bắt gặp AdSense trên bất kỳ trang web nào, ví dụ trên BetaNews.com:
Vì thế, nếu bạn đăng ký quảng cáo trên Google, quảng cáo của bạn sẽ có cơ hội có mặt trên nhiều trang web khác. Adsense không tính phí trên mỗi quảng cáo mà tính phí theo số lần người xem nhấp chuột vào quảng cáo (pay-per-click) và số phí thu từ quảng cáo sẽ được chia giữa Google và trang web đặt quảng cáo mà người xem vừa nhấp chuột. Sáng kiến này đã tạo nên một hệ thống hỗ tương (ecosystem) và mang lại nhiều lợi ích cho tất cả các bên tham gia.
Bài toán “tiền ở đâu?” đã đươc Google giải trọn vẹn và hơn thế nữa nó còn giải bài toán này cho nhiều trang web khác, những trang web có rất nhiều nguời truy cập nhưng lại không có cách nào kiếm tiền từ người dùng. Với Adsense, càng nhiều người truy cập thì sẽ càng có nhiều người nhấp vào quảng cáo (tất nhiên là để xem quảng cáo) và chủ trang web sẽ càng có cơ hội kiếm được nhiều tiền. Đây là động lực lớn để các trang web hướng dịch vụ ra đời và tạo nên trao lưu web 2.0.
Tất nhiên không thể không thể không đề cập tới sự bùng nổ của blog và sự xuất hiện của Wikipedia, nơi mọi người đều có thể tự biên tập và tự đánh dấu thẻ (tag) vào các biên tập của mình (xin xem chi tiết hơn trong bài viết Tiên đề của web 2.0). Một yếu tố thuần túy mang tính kỹ thuật thúc đẩy các trang web 2.0 phát triển là khả năng làm việc trên trang web giống như trên các ứng dụng văn phòng (Word, Excel…) với sự trợ giúp của công nghệ AJAX (xin xem bài Ajax -The technology you CANNOT miss).
Tóm lại, web 2.0 “đến” từ sự tích tụ của các giải pháp tài chính, sự xã hội hóa web và sự chín muồi của công nghệ web. Vậy web 2.0 sẽ đi tới đâu?
Web 2.0 sẽ đi tới đâu?
Có thể là cực đoan khi nói rằng “Web 2.0 sẽ đào mồ chôn các ứng dụng truyền thống“, nhưng sẽ không có gì ngạc nhiên khi xu hướng ấy đang diễn ra. Vì sao tôi viết bài này trên Writely.com thay vì trên Microsoft Word? Không phải vì tôi là người nghiền web 2.0 mà vì các lý do sau:
Tôi viết bài này một phần tại văn phòng, một phần tại nhà và tôi không muốn phải chép đi chép lại vào USB disk mỗi ngày. Mỗi khi cần viết tiếp tôi chỉ cần mở Firefox hay IE và làm việc.
Writely tự động lưu bài viết sau mỗi 5 giây mà hoàn toàn không làm gián đoạn việc viết lách nên khả năng mất dữ liệu là rất thấp (bạn có thể cấu hình cho Word làm điều tương tự, nhưng tôi tin là bạn sẽ chán ngấy với tốc độ lưu chậm chạp của nó).
Tôi viết khá nhiều và viết về nhiều chủ đề khác nhau. Việc tìm kiếm một bài viết trong Windows vừa chậm vừa vất vả. Với Writely tôi có thể tag các bài viết theo chủ đề và tìm kiếm nhanh như… Google!
Nếu cần, tôi có thể lưu bài viết này thành dạng .doc, rich text, open document hay .pdf.
Cuối cùng là cái quan trọng nhất, tôi có thể xem truớc (preview) và đưa bài viết này lên blog của mình chỉ với một thao tác.
Tất nhiên, hiện tôi vẫn còn cần dùng Word cho các tài liệu phức tạp, nhưng chắc chắn tôi sẽ không có ý định dùng nó để viết bài, viết blog, đặc biệt kể từ khi Google mua lại Writely - một sự đảm bảo cho sự ổn định và tin cậy của dịch vụ Web 2.0 này.
Các dịch vụ web 2.0 mới ra đời gần như mỗi tuần, có những dịch vụ hết sức phức tạp về mặt công nghệ nhưng hầu hết là các dịch vụ đơn giản, chỉ tập chung cho một mục đích rõ ràng. Nếu bạn muốn chia sẻ hình ảnh hay video bạn có thể tìm đến Flickr, YouTube, nếu muốn đọc tin tức tổng hợp thì các web 2.0 rất tốt là Netvibes, FeedBurner, muốn ghi nhớ một bài viết hay địa chỉ web thì không thể bỏ qua del.icio.us, digg… Sẽ phải mất cả ngày (hmm, thực tế là sẽ mất rất nhiều ngày) để dạo quanh hết các gian hàng web 2.0 nhưng tất cả đều có một đích đến là giúp người dùng làm mọi thứ trên web và thay thế các ứng dụng truyền thống.
Những dịch vụ web 2.0 thành công sẽ không phải là những phiên bản bắt chước hay “làm tốt hơn” những ứng dụng desktop mà là những cái cung cấp trị giá gia tăng dựa trên ưu thế của internet như tính liên thông, tính phân tán… của mạng toàn cầu này. Nói một cách dễ hiểu, tôi dùng Writely không phải vì nó “tốt hơn” MS Word về các tính năng như định dạng, kiểm tra chính tả… mà vì nó có khả năng kết hợp với các dịch vụ khác trên mạng như blog và quan trọng hơn là vì tôi có thể sử dụng nó ở bất cứ đâu có kết nối. Cá nhân tôi đặt cược rằng các trang web tương lai sẽ là các mash-up ở hình thức này hay hình thức khác, tức là các dịch vụ web kết hợp từ nhiều nguồn khác nhau.

Web 2.0 Summit

Hội nghị thượng đỉnh web 2.0 - 2006 (Web 2.0 Summit) đã diễn ra tại San Francisco từ ngày 7 đến 9 tháng 11. Dưới đây là tổng hợp những điều mới mẻ nhất đến tứ các công ty web 2.0, đa số là tin mừng với người dùng.
1. Yahoo sẽ quay 180 với Yahoo!360

Sau khi không thành công với việc mua lại Facebook, Yahoo cho biết rằng họ sẽ "làm lại" Yahoo!360 của mình mới "180 độ" nhưng không tiết lộ các thay đổi như thế nào. Nhưng nhìn chung chắc chắn Yahoo!360 sẽ tập chung vào tính năng mạng xã hội và blog.Trả lời về việc Microsoft có thể mua lại Yahoo, David Filo (hình) - một đồng sáng lập viên của Yahoo - tuyên bố rằng: "...sẽ không có gì xảy ra vào ngày mai", nên có lẽ chúng ta sẽ đợi tới ngày mốt vậy! Yahoo cũng thừa nhận rằng đã không thực sự hiệu quả trong việc tạo doanh thu, ngoại trừ Flickr đã tăng trưởng 15 lần từ khi họ mua lại. Tuy nhiên, Yahoo hy vọng hệ thống quảng cáo mới của mình sẽ được đưa vào hoạt động trước mùa Nô-en năm nay.Web 2.0 - Việt Nam: tôi ủng hộ việc "quét rác" cái không gian 3600 này cho đỡ lộn xộn hơn.
2. Thành công của Google là tốc độ

Chia sẻ bí quyết thành công của Google, Marissa Mayer (hình) - trưởng bộ phận quản lý các công cụ tìm kiếm - cho rằng đó chính là tốc độ của các dịch vụ. Bà cho rằng "... chậm chạp, dù cho vững vàng, cũng sẽ không thể chiến thắng" (phải chăng đây là khẩu hiệu của Google?) và tốc độ là "... nhân tố lớn nhất và động lực thị trường mạnh nhất của web 2.0".Google khi nghiên cứu hành vi của khách hàng thấy rằng nếu trang tìm kiếm càng cho ra nhiều kết quả thì người dùng lại càng bỏ ít thời gian trên trang web hơn trong khi nhẽ ra phải là ngược lại vì có nhiều thông tin hơn. Cuối cùng họ kết luận là do trang web trả về ít kết quả nhanh hơn nên tỷ lệ người dùng nán lại nhiều hơn. Kết quả cũng tương tự với số lượng truy cập tăng 25% sau 3 tuần khi trang Google Map giảm kích thước từ 100KB xuống 70-80KB.Triết lý này được áp dụng khi thiết kế GMail, mặc dù lựa chọn sử dụng Ajax và Javascript ở phía browser có rủi ro là lộ mã hoạt động nhưng Google vẫn áp dụng. Kết quả GMail là một webmail rất nhanh nhẹn và thành công.Web 2.0 - Việt Nam: Quả thực, nếu một trang web 2.0 mà load quá 1 phút thì nên ra xem xét lại mình.
3. Yahoo sẽ đưa chức năng Chat vào Yahoo!Mail Beta
Đáp lại việc Google tích hợp chức năng chat (instant messenger - IM) vào GMail, Yahoo thông báo trong vài tháng tới sẽ cho phép người dùng chat trong Yahoo!Mail (beta). Ethan Diamond, giám đốc sàn phẩm Yahoo Mail, đã trình bày khả năng tích hợp IM vào mail của Yahoo. Người dùng sẽ thấy những ngời trong sổ địa chỉ khi họ online và có thể chat với họ. Nội dung của cuộc trò chuyện có thể được đưa vào trong mail. Với 250 triệu người đang dùng Yahoo!IM thì đây quả là một tin tốt.

Web 2.0 - Việt Nam: Một chức năng thú vị nhưng để có thể cho hàng triệu người dùng một lúc mà không bị lag thì Yahoo phải chuẩn bị thật kỹ. Tôi không muốn thấy Yahoo!Mail trở nên chậm chạp hơn nữa!
4. Wikinomics: cộng tác số đông

Don Tapscott, đồng tác giả cuốn Wikinomics: How Mass Collaboration Changes Everything, đã trình bày ý tưởng của mình về web thế hệ tiếp theo sẽ thay đổi cách các công ty thực hiện phát minh, sáng tạo mới. Ông cho rằng mạng xã hội đã tạo nên một phương thức lao động mới, ví dụ Procter & Gamble (P&G) đã phát triển một hệ thống cộng tác hỗ tương giúp cho hiệu quả làm việc cao hơn hẳn cách tổ chức theo thứ bậc truyền thống. Những Second Life, YouTube... đang tạo nên một cuộc cách mạng mới về phương thức làm việc.Web 2.0 - Việt Nam: Tiến bộ của loài người gắn liền với việc thay đổi phương thức làm việc (Karl Marx). Nếu web 2.0 tạo nên một phương thức làm việc tốt hơn hẳn thì liệu loài người sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới?
5. Ray Ozzie nói về Vista và Office 2007
Ray Ozzie, kiến trúc sư trưởng phần mềm của Micosoft, nó nhiều về tính an toàn của Vista nhưng cũng thừa nhận đó chỉ là một phần mềm và như mọi phần mềm nó không hoàn hảo. Ông cho rằng Microsoft đang trong một giai đoạn chuyển tiếp thú vị. Mặc dù nhận thấy xu hướng chuyển từ các ứng dụng dạng rich client (như Word, Excel...) sang các ứng dụng dịch vụ web, ông không đồng ý rằng việc chuyển hết các ứng dụng từ desktop sang web là một giải pháp tốt. Với Microsoft, web là phương tiện để phân phối software nhanh hơn mà không bắt người dùng phải mua DVD cài đặt.Web 2.0 - Việt Nam: Đừng mong chờ gì nhiều từ Microsoft, đặc biệt trong web office 2.0. Nhưng hãy lưu ý dịch vụ Live của họ, Microsoft không bao giờ bỏ qua bất cứ bữa tiệc nào và họ luôn có đủ nhân lực nếu cần.
6. 13 dịch vụ web 2.0 mới ra mắt
Có 13 dịch vụ web 2.0 mới được giới thiệu tại Web 2.0 Submit Launchpad. Dưới đây là giới thiệu sơ qua:In the chair là một kiểu game âm nhạc. Bạn có thể tạo ra các đoạn nhạc riêng của mình, remix... và xuất bản trên trang web này.instructables là công cụ nhắm tới những nhà sưu tập hay những người thích "độ" các đồ vật và khoe tác phẩm của mình trên web.Klostu đươc cho là blog của các bảng thông báo (bulletin board). Mục tiêu là kết nối các bảng thông báo lại với nhau và mỗi người sẽ có một mã số duy nhất giúp sử dụng nhiều bảng thông báo một lúc.Sharpcast là một công cụ rất hữu ích giúp đồng bộ hóa dữ liệu giữ các máy tính, trang web hay ĐTDĐ. Sản phẩm đầu tiên sẽ là Sharpcast Photos, nhưng sắp tới bạn có thể đồng bộ hóa mọi loại tập tin.stikki là một sản phẩm nhắm tới việc thay thế các công cụ ghi nhớ như post-it. Nhưng điểm mạnh là các tờ ghi nhớ này có thể xuất hiện trên các máy tính của đồng nghiệp của bạn nếu được chia xẻ. Turn là công cụ tìm kiếm dùng cho quảng cáo online. Điểm khác biệt là nó dựa trên cơ chế CPA (cost-per-action) chứ không phải CPC (cost-per-click) như của Google. Sphere là một công cụ tìm kiếm blog tương tụ như Technorati. Nó có vài tính năng thú vị như pop-up nhỏ về các blog hay bài viết liên quan tới blog của bạn. Omnidrive là một ứng dụng lưu trữ trực tuyến hướng tới việc "xát nhập" web với desktop. Ứng dụng này cho phép chia xẻ file và có API cho các nhà phát triển.Adify cho phép bạn xây dựng một hệ thống quảng cáo riêng cho mình.3B là một mạng xã hội 3D. Bạn có thể tạo một không gian 3D và đưa các nội dung web vào. Một sản phẩm hết sức thú vị nếu bạn bỏ công ra tìm hiểu.oDesk là một website về công việc. Nói chung nó có thể khớp những người làm việc tự do (freelancer) với những người thuê. Tích hợp trong đó là một số công cụ quản lý dự án và người thuê có thể theo dõi hành vi của những người tham gia qua số lần click chuột, hình ảnh... (chẳng biết tác dụng gì không!) Venyo nhắm tới việc xây dựng "lòng tin" qua việc đánh giá chỉ số tin cậy Vindex.Timebridge là một ứng dụng thời gian biểu, lịch công tác. Nó có thể làm việc với Outlook và khi có cuộc họp, nó sẽ gởi email tới những người tham gia. Khi nhận trả lời, Timebridge sẽ tìm thời gian thích hợp, confirm và ghi chú...Web 2.0 - Việt Nam: Các dịch vụ web 2.0 ra đời hàng ngày với rất nhiều ý tưởng cách mạng. Nhưng không phải tất cả sẽ cất cánh ngay cả khi nó được "launch" ở một hội nghị quan trọng như Web 2.0 Summit. Câu hỏi luôn được đặt ra là liệu các ý tưởng đó có đủ sức thuyết phục với hàng triệu người dùng hay không?

Những Web 2.0 tốt nhất năm 2006

Một năm trôi qua thật nhanh, tôi còn nhớ danh sách các web 2.0 tốt nhất năm 2005 của Dion Hinchcliffe đã nhận được rất nhiều bình luận. Còn hôm nay chúng ta đã có danh sách các web 2.0 tốt nhất năm 2006 của ông.
1. Mạng xã hội (social network)

MySpace được cho là mạng xã hội thành công nhất trong năm 2006. Mặc dù có nhiều kêu ca về chất lượng nội dung và thiếu an toàn, MySpace vẫn là mạng xã hội được ưa chuộng số một vì tính dễ sử dụng và khả năng tùy biến cao. Tôi nhớ rằng, trong “Web 2.0 Summit” một cậu bé khách mời đã phát biểu rằng: Mỗi buổi sáng, khi mở MySpace giống như mở một hộp quà Nô-en vì cậu ta luôn hồi hộp chờ đợi bạn bè mới vào “không gian” của mình…
Các công ty cũng bắt đầu sử dụng MySpace làm công cụ quảng bá sản phẩm của mình. Hollywood và nhiều công ty khác dùng MySpace để giới thiệu phim và các chiến dịch khuyến mãi. Một số mạng xã hội khác cũng đang hoạt động rất tốt nhưng còn thua xa MySpace về số lượng.
Các mạng xã hội thành công khác:

2. Trang chủ tùy biến (start pages)

Trong lĩnh vực này, nhận xét của Dion Hinchcliffe khá giống với tôi: Netvibes hiện đang là trang chủ mặc định trên browser của tôi. Năm 2006 chứng kiến rất nhiều web 2.0 ra đời trong lĩnh vực này, đa số dùng Ajax và Flash, nhưng không có nhiều dịch vụ phát triển nhanh ngoại trừ Netvibes. Có 3 lý do chính:
Netvibes có một giao diện sáng sủa, dễ sử dụng.
Netvibes có API và hệ thống eco-system mở giúp cho các nhà phát triển có thể thêm vào các module riêng (hiện đã có hơn 500 module giúp bạn từ việc đọc mail đến chuyển dạng tài liệu sang PDF…).
Netvibes hỗ trợ nhiều ngôn ngữ khác nhau (trong đó có cả tiếng Việt của chúng ta!)
Điểm duy nhất tôi không thực sự hài lòng là tốc độ tải lần đầu của Netvibes ngày càng chậm hơn. Có thể đó là do hệ thống có quá nhiều Javascript?Mặc dù Live.com của Microsoft có nhiều lượt truy cập hơn Netvibes nhưng đây là kết quả của hệ thống tìm kiếm và các khác hàng truyền thống của Microsoft.
Các trang chủ tùy biến tốt khác:

3. Ghi nhớ địa chỉ (social bookmarking)

Nổi lên trong năm nay là một dịch vụ khá xa lạ StumbleUpon, năm ngoái thậm chí dịch vụ này còn chưa được xét tới. Cá nhân tôi vẫn dùng del.icio.us thường xuyên nhưng theo Hinchcliffe, StumbleUpon có những ưu điểm nổi bật trong việc tìm kiếm. Nếu bạn cài toolbar của dịch vụ này trên browser của mình bạn có thể đáng giá, cho điểm (rate) các bài viết. Điều này giúp bạn dễ dàng tìm những người đồng quan điểm với mình và tìm ra những bài viết mới cùng chủ đề. StumbleUpon hiện có 1,7 triệu đăng ký và đang phát triển nhanh.
Các dịch vụ web 2.0 tốt khác:

4. Chia sẻ tin tức (peer production news)

Netscape.com là người thắng cuộc trong năm nay! Về mặt số lượng truy cập thì Digg vẫn vượt lên rất xa so với các dịch vụ khác, Digg vẫn là lựa chọn hàng đầu khi bạn muốn xem các tin về công nghệ, đặc biệt là các tin ít phổ biến. Tuy nhiên, Netscape đảm bảo được hai yếu tố: chất lượng tin và tính dân chủ trong đánh giá chọn lựa. Các tin hàng đầu trên Netscape thường là các tin rất đáng đọc và các bình luận cũng rất hay.Các dịch vụ chia sẻ tin tốt khác:

5. Chia sẻ đa truyền thông (social media sharing)

YouTube là một hiện tượng trong năm 2006. Với 100 triệu lượt người xem và 65.000 video được tải lên mỗi ngày, YouTube là một trong những dịch vụ thành công hiếm thấy. Bạn có thể xem hầu hết mọi thứ bạn muốn trên YouTube; tính dễ sử dụng, hệ thống tag tiên tiến và khả năng nhúng video vào các trang web khác dễ dàng tạo thành môt tiêu chuẩn cho lĩnh vực này. Nếu năm 2005 là năm của chia sẻ hình ảnh thì rõ ràng 2006 là năm của video.
Các dịch vụ chia sẻ video tốt khác:
6. Lưu trữ trực tuyến (online storage)
kết hợp với
Năm 2006 cũng là năm có nhiều dịch vụ lưu trữ trực tuyến ra đời. Qua rồi cái thời bạn phải chật vật với khoảng không gian tí tẹo và tốc đô rùa bò của Yahoo!Briefcase. Hầu hết các dịch vụ lưu trữ trực tuyến đều cho phép bạn lưu hàng GB dữ liệu miễn phí hoặc với giá rất phải chăng. Vượt lên các đối thủ là dịch vụ S3 của Amazon kết hợp với Jungle Disk giúp bạn tích hợp nó vào Windows Explorer như một ổ đĩa. Ưu điểm của S3 là nhanh, bảo mật, rẻ và quan trong nhất là bạn không bao giờ lo mất dữ liệu vì tính năng back-up đa lớp của dịch vụ này.
Các dịch vụ lưu trữ trực tuyến tốt khác:

7. Ứng dụng văn phòng 2.0 (office suite 2.0)

Trong các bài viết trước, Web 2.0 Việt Nam đã có những nhận xét về các ứng dụng văn phòng trên nền tảng Web 2.0. Theo Hinchcliffe, Zoho là bộ ứng dụng văn phòng hoàn chỉnh nhất. Tôi không phản đối nhận xét này vì Zoho cung cấp một bộ các ứng dụng Office đúng nghĩa: soạn thảo văn bản, bảng tính, trình diễn, wiki, quản lý dự án, quản lý địa chỉ… Cả Google lẫn Microsoft vẫn tỏ ra khá chậm chạp trong việc đưa ra các ứng dụng office 2.0 mới mặc dù có thể họ sẽ làm tốt hơn theo các chiến lược riêng của mình.
Các bộ office 2.0 tốt khác:
8. Các dịch vụ khác
+ Chọn lọc blog (blog filter)

Nếu bạn muốn theo dõi chủ đề nào đang được bàn tán sôi nổi nhất trên web thì TechMeme là trang web bạn nên vào hàng ngày.
+ Nhạc cộng đồng (social music)

Pandora là một ứng dụng một-trang (one-page) được phát triển trên OpenLaszo. Nó sẽ chơi liên tục các bản nhạc bạn yêu thích và cho bạn chọn các bản nhạc cũng “style”. Đây là nơi lý tưởng để tìm các bản nhạc mới và không ngạc nhiên khi có 2 triệu người đăng ký vào dịch vụ này.
+ Mạng xã hội nghề nghiệp (professional social network)

LinkedIn là dịch vụ bạn nên đăng ký nếu đang đi làm. Nó là nơi lưu trữ các địa chỉ liên lạc của các đồng nghiệp, đối tác và cập nhật tự động khi có người chuyển công việc.
+ Công cụ phát triển web

Ruby on Rails là cộng cụ phát triển web được đánh giá cao nhất trong năm 2006. Nó tạo nên một phương thức phát triển phần mềm mới và cho năng suất lao động cao hơn nhiều so với J2EE hay .Net. Trong năm 2007, đa số các ứng dụng Web 2.0 sẽ được làm trên ROR hay PHP. Don Hinchcliffe có bài viết riêng nói về ảnh hưởng của ROR trong việc phát triển web ở đây.
+ Công cụ Mashup

Năm 2006 đánh dấu sự trưởng thành của các dịch vụ mash-up (kết hợp nội dung từ nhiều nguồn). DataMashups.com cung cấp cho người dùng một công cụ tạo mashup cho riêng mình rất dễ dàng. Mặc dù đang trong giai đoạn phát triển đầu tiên đây là dịch vụ có nhiều hứa hẹn.
9. Bình luận của Web 2.0 Việt Nam
Don Hinchcliffe là một nhà phân tích chiến lược có uy tín của Web 2.0. Các đánh giá của ông dựa trên các tiêu chí về tính năng và khả năng phát triển của dịch vụ. Có thể có những đánh giá không trùng với nhận định của tôi và bạn nhưng rõ ràng đây là một dịp tốt để giới thiệu các dịch vụ Web 2.0 tốt nhất hiện nay. Chúc các bạn một năm 2007 vui vẻ và hạnh phúc!
Người đăng: Vu Đăng ggày 04 tháng một 2007 lúc 5:33 CH

10 dấu hiệu cho thấy bạn không biết Web 2.0 là gì?

Bạn identical đã dịch bài Top 10 signs you are new to Web 2.0. Để không khí trong blog này bớt "nặng nề" tôi xin có vài bình... loạn!
Bạn có thật sự biết về Web 2.0? Hãy thử ngó qua 10 dấu hiệu sau - 10 dấu hiệu cho thấy có thể bạn chẳng biết gì về Web 2.0 cả:
10. Bạn nghĩ rằng người sáng lập ra , hay là mấy thằng cha toàn gặp điểm kém trong môn chính tả.
Bạn hoàn toàn có thể khởi nghiệp với web 2.0 ngay cả khi bạn kém về môn chính tả và tất cả các môn khác. Steve Chen, một trong những người sáng lập YouTube, từng là học sinh kém và điều này chẳng ảnh hưởng gì tới việc cậu ta thành triệu phú. Biết đâu đấy lại là lợi thế của bạn!
9. Bạn cố truy cập http://del.icio.us.com mà không được.
FYI, bạn có thể truy cập trang này qua delicious.com - ngon miệng nhé!
8. Bạn ngạc nhiên khi thấy các text box có kích thước lớn quá mức và font chữ thì to tới độ cách xa 3m vẫn nhìn thấy.
Hmm, vài web 2.0 hơi quá khi giả định tất cả người dùng đều giống như tôi. Tức là đeo kiếng từ 3 độ trở lên :))
7. Bạn bấm nút Back trên trình duyệt như máy. Câu chuyện về nút "Back" không hoạt động đã trở thành cổ xưa rồi. Nhưng vài người vẫn tin là trang web của họ là web 2.0 chỉ vì người dùng không thể dùng nút "Back". Nhưng sao bạn không cứ tiến lên mà lại muốn thụt lùi lại, quả là một tiến bộ kỹ thuật!?
6. Bạn sử dụng thư mục để quản lý số email mình có, và bạn nghĩ tag là để ghi hướng dẫn giặt là áo quần .
Nói chung với đa số người dùng thì tag là một khái niệm vô bổ và mất thời gian. Không tin bạn cứ thử thuyết phục bạn gái mình tag bài viết này trên Digg del.icio.us.
5. với bạn chỉ là tên của Công chúa Nhật Bản.
Cái web 2.0 này đã bị đem bán trên eBay mất rồi. Nhưng nếu bạn làm một trang web 2.0 trong 6 tháng và bán với giá 258.000 USD thì cũng kg quá tệ.
4. Cho tới giờ, mashup với bạn là từ liên quan đến khoai tây.
Mashup là không phải là món khoai tây trộn mà là món HTML trộn. Còn nó có thành cái gì ăn được hay không thì còn tùy người làm và... tốc độ đường truyền Internet.
3. Bạn tin rằng Gmail thật là yếu kém khi gắn mác beta đến mấy năm liền.Beta bây giờ là "hàng hiệu" đấy!
2. Bạn nghĩ Ajax là tên một nhãn hiệu bột giặt. Đấy là dân Mẽo chứ dân A-Nam-mít như mình thì biết ngay nó là một CLB bóng đá của Hà Lan.
Và dấu hiệu cuối cùng:
1. Bạn vẫn còn tìm kiếm nút Submit. Nói chung bây giờ bạn đừng tìm nút "Submit" mà hãy nhấn nút "Publish" và sau đó cả thế giới sẽ biết bạn đang tâm sự gì với bạn gái của mình! Good luck!

Hacker kinh tế hoạt động như thế nào?

Đó là thế giới của những chat room, những malware và các kế hoạch phishing tinh vi. Hoạt động bên trong của chúng ra sao? Hacking bây giờ không còn là trò chơi của trẻ con. Nó đã trở thành hình thức kinh doanh lớn. Các thị trường đen trực tuyến sôi động với dữ liệu thẻ tín dụng ăn trộm, mã số bằng lái xe. Và malware, chương trình cho phép hacker khai thác điểm yếu bảo mật trên phần mềm thương mại là công cụ hết sức đắc lực của giới tin tặc. Hoạt động khủng bố trở nên có tổ chức cao. Chúng dùng các hệ thống thanh toán mạng ngang hàng như mua bán trên eBay mà không sợ bị phát hiện khi làm việc với nhau.

Đó là thế giới của những chat room, những malware và các kế hoạch phishing tinh vi. Hoạt động bên trong của chúng ra sao?

Khi TJX ra đời ngày 17 tháng 1 năm 2006, các hệ thống máy tính lưu trữ dữ liệu liên quan đến thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và các giao dịch mua bán bị phá hoại. Người ta nói rằng chúng đã bị hack từ tháng mười hai. Các nhân viên bảo mật ở Visa ghi nhận hoạt động lừa đảo chiếm đoạt thẻ tín dụng, thẻ nợ liên quan đến thuộc tính TJX ngày càng tăng, như ở các cửa hàng T.J. Maxx, Marshalls, HomeGoods từ giữa tháng mười một. Có nghĩa là bạn hoàn toàn có thể trộm dữ liệu người dùng trôi nổi trên Internet để bán cho thị trường đen qua website và chat room, ít nhất trong hai tháng hoặc hơn.

Hacking bây giờ không còn là trò chơi của trẻ con. Nó đã trở thành hình thức kinh doanh lớn. Các thị trường đen trực tuyến sôi động với dữ liệu thẻ tín dụng ăn trộm, mã số bằng lái xe. Và malware, chương trình cho phép hacker khai thác điểm yếu bảo mật trên phần mềm thương mại là công cụ hết sức đắc lực của giới tin tặc. Hoạt động khủng bố trở nên có tổ chức cao. Chúng dùng các hệ thống thanh toán mạng ngang hàng như mua bán trên eBay mà không sợ bị phát hiện khi làm việc với nhau.

Hacker độc lập vẫn còn, nhưng Cục điều tra liên bang Mỹ FBI nhận thấy hoạt động tội phạm có tổ chức là một phần trong cộng đồng hacking, nhất là ở Trung Đông. “Hacker luôn sẵn sàng bẻ khóa máy tính, thu thập dữ liệu cá nhân và bán chúng đi nhằm kiếm lợi”, Chris Stangl – thanh tra tội phạm khủng bố của FBI, đơn vị đứng thứ ba sau bộ phận Chống khủng bố và Tình báo nói.

Vẽ ra được bức tranh toàn cảnh về tin tặc kinh tế không phải dễ dàng. Đó là thế giới ngầm sôi động nhưng không phải ai cũng nắm bắt được hết chúng. Từ các nguồn bên trong và bên ngoài “lượm lặt” được, bạn chỉ có thể phác thảo được phần nào về thế giới này.

Phương thức trực tiếp


“Bây giờ không còn là thời hacker tấn công để chỉ ra lỗ hổng trên Net. Chúng tạo các malware tinh vi vào mục đích thương mại và lợi nhuận”, Maffret của eEye.
Một số hacker sử dụng phương thức trực tiếp theo kiểu tấn công đòi tiền chuộc. Kẻ tội phạm xâm nhập vào máy tính của công ty bằng malware và mã hóa dữ liệu trong các máy tính. Tiếp theo chúng đưa ra yêu cầu công ty phải nộp tiền chuộc mới có được khóa giải mã. Hình thức này rất phổ biến ở Nga. Uriel Maimon, chuyên gia nghiên cứu bộ phận khách hàng của RSA, hãng bảo mật hiện thuộc sở hữu của EMC nói rằng, anh thấy nhan nhản các kiểu tấn công như thế trong 5 tháng qua.

Nhưng tấn công trực tiếp không phải là hình thức phổ biến nhất, vì chúng khá mạo hiểm. Trực tiếp, tức là “có sự kết nối tài chính thẳng giữa nạn nhân và tác giả hay người sở hữu malware” - David Dagon, chuyên gia nghiên cứu ở Trung tâm Bảo mật thông tin Georgia Tech phân tích. Hình thức phổ biến hơn là thị trường dữ liệu đen. Website trực tuyến nhan nhản trên Internet, là nơi diễn ra các hoạt động mua bán nhộn nhịp mã số thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, tên chủ thẻ, giá trị kiểm chứng thẻ, mã ba hoặc bốn con số dùng để xác nhận thẻ…. Jeff Moss, quản lý “The Dark Tangent” và đồng thời là sáng lập viên của Black Hat, hãng nghiên cứu đào tạo bảo mật (sở hữu bởi cha đẻ của Informationweek CMP) nói rằng anh biết có một tổ chức khủng bố ở châu Âu mỗi năm kiếm được nửa triệu đô la từ việc mua bán cơ sở dữ liệu và danh sách tên khách hàng.

Thông tin trên thẻ tín dụng hầu hết được bán ra với số lượng lớn. Khi mua, chắc chắn bạn sẽ không muốn có từng cái riêng lẻ mà phải là một tập hợp, một lô, một nhóm. Bởi vì bất kỳ ai cũng có thể hủy bỏ hoặc tham gia vào số tiền bồi thường gian lận. Mặc dù một số website có đưa ra danh sách giá cả, nhưng thông tin trên thẻ cơ bản được bán ít nhất ở mức 1 đôla/thẻ, tùy thuộc vào chất lượng dữ liệu.

Những kẻ trộm thẻ tín dụng tự gọi mình là “carder” và thường thả phần mềm độc hại của chúng qua chat room trên IRC, diễn đàn công cộng hay diễn đàn riêng với những cái tên như CardersMarket hay Carder.info, thậm chí cả các website mua bán điện tử trông rất bình thường, vô hại. Hacker hay carder lão luyện thường gắn liền với các IRC riêng, được mã hóa và có mật khẩu bảo vệ.

Diễn đàn có tên CardingWorld.cc với hơn 100 000 bài viết từ 13 nghìn thành viên đăng ký, hầu hết đến từ Nga. Còn khu vực nói tiếng Anh trên website luôn đề cập đến Ngân hàng quốc gia Mỹ (Bank of America), Ngân hàng Fidelity Bank, PayPal, thông tin thẻ tín dụng đến từ khắp nơi trên thế giới, các thẻ quà hợp lệ và dịch vụ chuyển vận an toàn với số lượng tiền lớn. Hầu hết người mua kẻ bán trên diễn đàn đều yêu cầu các giao dịch, đề nghị diễn ra trên message riêng tư trong hệ thống bảng tin hay tin nhắn tức thời ICQ.

Hay như website Dumps International, cung cấp thẻ tín dụng, trang bị để mã hóa và sử dụng thẻ tín dụng cũng như mã số bảo mật xã hội (Social Security number), ngày tháng năm sinh, tên thời con gái của mẹ, mã số PIN ngân hàng, các bản vá lỗi của “kết xuất” thẻ với mã số thẻ, tên chủ thẻ, ngày tháng hết hạn. Giá cả phải trả cho một mã số thẻ có thể lên tới 40 đô la/một thẻ tiêu chuẩn và 120 đô la/một thẻ “có chữ ký”. Nếu mua theo lô 100 thẻ giá có thể hạ xuống còn 30 đô la/thẻ.

Thời gian tồn tại trung bình cho các website này là khoảng 6 tháng trước khi chúng bị định hướng lại trong proxy server mới và có sự can thiệp của pháp luật. TalkCash.net, website hoạt động cho tới mùa hè năm ngoái còn cung cấp một danh sách các “ripper”, những người tham gia vào thương trường nhưng không đáng tin cậy, và các hãng “kiểm chứng”, những người chứng minh rằng họ có thể phân phối hàng hóa theo cam đoan.

Một số tổ chức khủng bố sử dụng các hệ thống thanh toán ngang hàng như PayPal, E-gold để giao dịch bằng vàng và chuyển trở lại thành tiền mặt tại từng quốc gia. Một số khác dùng Western Union để tạo các thanh toán. E-gold nói rằng “không có kiểu bỏ qua” cho bất cứ người nào sử dụng dịch vụ của hãng vào mục đích tội phạm. Còn giám đốc bảo mật thông tin của PayPal, Michael Barrett cho biết hãng thường xuyên làm việc với tổ chức pháp luật khi có bất kỳ dấu hiệu nào chỉ ra rằng có hoạt động tội phạm xuất hiện.

Hoạt động chuyển tiền thường rất nguy hiểm vì hacker luôn rình rập tìm cách chiếm đoạt. Nếu số lượng tiền lớn, từ hơn 10 000 đô la trở lên, nên thông báo cho ngân hàng biết để theo dõi. Các giao dịch lớn có thể bị hacker tách nhỏ ra như khi khách hàng thanh toán tiền mua tivi plasma, xâm phạm số lượng lớn tài khoản iTunes, thông tin thẩm định World of Warcraft và có thậm chí xâm nhập cả vào các router.

Buôn bán Malware

Một hàng hóa có giá trị khác trong thế giới hacker kinh tế chính là các malware như virus, worm, Trojan. Chúng cung cấp cho tin tặc đường vào để truy nhập các hệ thống doanh nghiệp.


“Hacker hy vọng doanh nghiệp sẽ phải chuộc lại dữ liệu của họ” (Kaminsky) .

Một báo cáo gần đây của Internet Security Systems (sở hữu bởi IBM từ năm ngoái), cảnh báo hiện tượng nổi lên của ngành công nghiệp “dịch vụ khai thác lỗ hổng” với các mạng sản xuất và phân phối tinh vi tương tự như kênh sản phẩm hợp pháp của ngành công nghiệp máy tính. “Các nhà cung cấp quản lý lỗ hổng thường mua đoạn mã bị lỗi từ thị trường đen, mã hóa nó để chống xâm phạm hay sao chép bất hợp pháp, bán nó cho những kẻ phát tán thư rác hàng đầu”.

Với bất kỳ nền kinh tế thị trường nào, hàng hóa có giá trị cao nhất sẽ điều khiển mức giá cao nhất. Hồi tháng mười hai, một lỗ hổng tìm thấy trong hệ điều hành mới Vista của Microsoft được tìm thấy và bán trên diễn đàn Web Romanian với giá 50 000 đô la. Raimund Genes, giám đốc công nghệ của hãng bảo mật Trend Micro đoan chắc rằng ngành công nghiệp malware kiểm soát hơn 26 tỷ đô la của hãng bảo mật hợp pháp năm 2005.

Mức tiền khổng lồ đó hấp dẫn một số lượng tội phạm tương đương. Lỗ hổng ze-ro day được phát hiện năm ngoái và bán ra với giá từ 20 000 đến 30 000 đô la. Zero-day là lỗ hổng nguy hiểm, luôn tạo ra biến thể mới nâng cao ngay khi được phát hiện, và trước khi các hãng sản xuất có thể vá sản phẩm của họ.

Mặc dù đã cảnh báo về sự nguy hiểm của ze-ro day và nhiều lỗ hổng bảo mật khác cho các công ty và khách hàng của họ, nhưng rất ít tổ chức pháp luật có thể ngăn chặn được một người nào đó viết ra chương trình khai thác các lỗ hổng này. Bạn không thể cáo buộc ai đó phạm tội khi “chỉ ra lỗ hổng chưa được vá trên Internet” - Marc Maiffret, sáng lập viên đồng thời là giám đốc phụ trách bộ phận hacking của eEye Digital Security nói.

Phishing leo thang

Phishing cũng đang trở thành hoạt động kinh doanh ngầm đắt hàng. Spammer thường lùng kiếm địa chỉ e-mail trên Web để bán cho hacker. Còn hacker dựa vào đó để tìm kiếm lỗ hổng bảo mật có thể khai thác được, tạo ra các website phishing và nói cho những kẻ phát tán thư rác nơi gửi e-mail phishing. Trong khi đó, carder mua thông tin ăn cắp được từ hacker, tạo thẻ tín dụng giả, thẻ ghi nợ giả để trộm tiền hoặc bán cho nhiều loại tội phạm khác. Tất nhiên một hoạt động khủng bố có thể thực hiện được nhiều việc khác.

Anti-Phishing Working Group, nhóm liên hiệp của các tổ chức cộng đồng và tư nhân cho rằng công cụ những kẻ lừa đảo phishing sử dụng bây giờ ngày càng tinh vi. Báo cáo tháng mười hai của nhóm này ghi nhận có hơn 340 biến thể mới của keylogger (phần mềm ăn cắp thông tin trên bàn phím) và Trojan hours được phisher sử dụng chỉ trong một tháng. Con số ngày tăng bởi “việc dùng các công cụ tự động tạo và kiểm tra các biến thể mới tốt hơn”, báo cáo viết.

Có khả năng, các công cụ đó được sinh sôi từ Đông Âu với chương trình phishing và cơ chế phát tán thư rác tự động. Những kẻ tạo ra chúng hầu hết đều còn rất trẻ, chỉ trong lứa tuổi 20. Một số được đào tạo và giáo dục chính thống, nhưng số khác thì không. Một số sống ở những đất nước như Romania, nơi băng thông Internet tại các hộ gia đình nhiều hơn một số công ty ở Mỹ. Chúng trưởng thành trên Internet từ hơn 10 năm trước và luật pháp ở đó ít nghiêm ngặt hơn những nơi như Mỹ.

Kỹ thuật tinh vi không chỉ là công cụ trợ lực duy nhất cho thương mại phishing. Thật khó tin, nhưng những kẻ lừa đảo Nigeria “419” vẫn tiếp tục công việc của chúng một cách thành công với nhiều người dùng cả tin qua e-mail. Các e-mail đó thường bắt đầu với câu “I need your help” (Tôi cần giúp đỡ) và mô tả hoàn cảnh khiến chúng cần lượng lớn tiền để cứu giúp ai đó và chuyển tới một nước nào đó. Khoản tiền đó được gọi là “phí nâng cao” vì có thể chúng yêu cầu nạn nhân gửi tiền giúp chúng giải phóng tài khoản kếch sù nào đó với lời hứa sẽ bồi thường gấp đôi hay một khoản lời lớn. Con số 419 chính là mã tội phạm Negerian đã từng một thời gây sốt và làm mưa làm gió với các vụ lừa đảo nổi tiếng.

Tháng trước, cựu thủ quỹ Alcona County của Michigan bị bắt giữ và buộc phải thanh toán 1,2 triệu đô la anh ta đã “thụt két” và ít nhất cũng gửi một số tới kẻ lừa đảo e-mail Nigeria khét tiếng. Hội đồng thương mại Liên bang Mỹ đã phải đưa ra cảnh báo này trên website của mình: “Nếu bạn nhận được e-mail nào đó nói rằng cần sự giúp đỡ với một khoản tiền ở ngoài Nigeria hay bất kỳ nước nào khác, hãy gửi nó tới Hội đồng thương mại (FTC) tại địa chỉ spam@uce.gov”.

“Pump and Dump” - Moi tin và trục lợi

Ngày 25 tháng một, Hội đồng Trao đổi và Bảo mật Mỹ (Securities and Exchange Commission) đã tóm một cậu trai 21 tuổi ở Florida khi cậu này phá hủy hàng loạt tài khoản môi giới trực tuyến, sau đó phải loại bỏ rất nhiều danh mục của mình. Các nhà đầu tư nói rằng Aleksey Kamardin của Tampa, trong khoảng thời gian 5 tuần hè năm ngoái đã kiếm được hơn 82 000 đô la khi dùng quỹ các tài khoản bị xâm hại ở Charles Schwab, E-Trade, JPMorgan Chase, TD Ameritrade và nhiều tổ chức môi giới trực tuyến khác để nhẹ nhàng mua cổ phẩn của các công ty thương mại. Các cuộc mua bán này tạo ra cơn sốt ảo cho hoạt động thương mại hợp pháp, làm tăng giá cổ phiếu. Sau đó, Kamardin bán ra cổ phiếu anh ta mua trước với giá cao và khiến thị trường cổ phiếu sụt giảm.

Đó là bình mới của rượu cũ của “pum and dump”, một hình thức lừa đảo cổ phiếu dựa trên việc moi tin bí mật. Kẻ trộm sẽ đầu tư vào cổ phiếu giá rẻ, sử dụng các tài khoản trên Cayman Island hoặc một nơi xa đất liền nào đó có thể thiết lập ẩn danh thông tin tài khoản. Khi kẻ trộm mua hoặc đánh cắp thông tin nhân dạng, hắn ta sẽ thiết lập tài khoản giả mạo, hoặc thâm nhập tài khoản của người khác (như trong trường hợp của Kamardin) và mua số lượng lớn cổ phiếu rẻ tiền, nắm giữ điều khiển giá.

Điều này tạo ra tình thế nhạy cảm cho hãng cung cấp dịch vụ tài chính. “Họ không muốn ngăn cản hoạt động kinh doanh của mọi người. Vì thế, việc tạo ra các tài khoản lừa đảo này trở thành một phần mạo hiểm trong hoạt động kinh doanh của các hãng này” - Marc Gaffan, giám đốc marketing của bộ phận giải pháp người tiêu dùng ở RSA khẳng định. Cũng như thế, thật khó có thể xem xét kỹ lưỡng trình tự kinh doanh vì chúng bị ảnh hưởng mạnh bởi thời gian. Sự chậm trễ khiến các nhà đầu tư bị thiệt hại về tiền của và ngại ngần bỏ vốn tiếp vào công ty đó. Năm ngoái, E-Trade đã gặp phải tình huống khó xử tương tự khi một máy tính bị tấn công, mở cửa cho những kẻ khủng bố chạy pump-and-dump trên E-Trade client, dẫn đến hoạt động lừa đảo góp phần vào tổn thất 18 triệu đô la theo báo cáo trong quý ba.

Phải làm gì trước thực trạng này?

New York Electronic Crimes Task Force của Secret Service đã tiến hành cuộc khám xét lớn nhất trong năm 2002 khi khẳng định cựu nhân viên quản trị cơ sở dữ liệu của hãng bảo hiểm Prudential Insurance, Donald McNeese ăn trộm thông tin nhân dạng, lừa đảo thẻ tín dụng và rửa tiền. McNeese đã lấy cắp các bản ghi trên một cơ sở dữ liệu của Prudential chứa thông tin của 60 000 nhân viên. Khi anh ta cố gắng bán thông tin này qua Web, Bill Moylan, cựu thanh tra của Cục cảnh sát Nassau County ở Long Island vốn thực hiện các nhiệm vụ bí mật đã phát hiện và liên lạc với anh ta. McNeese gửi cho Moylan khoảng 20 thông tin nhân dạng của nhân viên và khuyên anh ta nên dùng nó để tạo các thẻ tín dụng giả, một phần được gửi tới nhà của McNeese tại Florida. McNeese cuối cùng bị xử 3 năm tù treo và buộc bối thường 3 000 đô la.

Secret Service là tổ chức liên bang của Mỹ, chịu trách nhiệm điều tra âm mưu khủng bố và hacker kinh tế. Năm 2004, tổ chức này phát hiện một nhóm hacker sử dụng website Shadowcrew.com cho mục đích bất hợp pháp. Sáu năm sau đó chúng bị đưa ra tòa án liên bang và buộc phải thuê luật sư biện hộ cho tội ăn cắp thẻ tín dụng, mã số ngân hàng và thông tin nhân dạng. Tháng ba năm ngoái Secret Service công bố bắt 7 trong tổng số 21 kẻ tình nghi ba tháng theo chương trình Operation Rolling Stone, chương trình điều tra ăn trộm nhân dạng và lừa đảo trực tuyến “qua các diễn đàn tội phạm Web”.

Cho dù vậy, hacker kinh tế vẫn không chùn tay. Tại Hội nghị bảo mật RSA diễn ra ở San Francisco tuần trước, chủ tịch RSA Art Coviello nói rằng thị trường nhân dạng ăn trộm đã lên tới một tỷ đô la và malware tăng theo cấp số 10 trong 5 năm.

“Vấn đề cơ bản là chúng ta có các tổ chức thực thi pháp luật trên phương diện địa lý, nhưng không có yếu tố địa lý nào ở Internet” - Dan Kaminsky, chuyên gia nghiên cứu bảo mật của DoxPara Research nói. Và: “Chúng ta không thể nghe trộm điện thoại xuyên đại dương hay đột kích bất ngờ nhà của ai đó ở Romania mà không có sự hợp tác của địa phương. Chúng ta chỉ đủ tài năng và nhân sự trong phạm vi trong nước mà thôi”.

Kết quả là việc thi hành luật pháp phải dựa trên sự hợp tác chặt chẽ của nhiều khu vực riêng như các cơ quan tài chính, hãng cung cấp dịch vụ Internet và các công ty viễn thông. Có rất nhiều tội phạm vốn hoạt động trong các tổ chức pháp luật địa phương khắp cả nước. Nhiều trong số chúng đã truy cập vào FBI InfraGard, hệ thống chia sẻ thông tin giữa FBI và các khu vực riêng. InfraGard trở thành chi nhánh của FBI trong lĩnh vực trí tuệ từ năm 1996 nhằm hỗ trợ cho các chuyên gia IT và giới học viện, phục vụ cho các cuộc điều tra liên quan đến khủng bố của FBI.

Các hãng hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng phải chịu một phần trách nhiệm về việc mở cửa cho thị trường trực tuyến “ngầm” với các mã độc hại và dữ liệu bị trộm cắp khi phát hành phần mềm có các lỗ hổng bảo mật. Tổ chức ISS của IBM ghi nhận có tổng số 7247 lỗ hổng phần mềm trong năm 2006, tăng gần 40% so với năm 2005. Trong đó, lỗ hổng xuất phát từ Microsoft, Oracle và Apple là lớn nhất.

Doanh nghiệp và người dùng cuối phải sát cánh cùng nhau với một số trách nhiệm hay sự bảo mật lỏng lẻo, có khi đơn giản là việc lưu trữ quá nhiều dữ liệu. Trong trường hợp của TJX, nguyên nhân là do việc lưu trữ dữ liệu thẻ tín dụng ngược lại với quy định của Vista. “Hệ điều hành sẽ cho rằng sai khi mọi người bỏ dữ liệu đi”.

Các công ty cần cung cấp cẩn thận dữ liệu dữ liệu họ đang quản lý và đánh giá thực tế khả năng bảo vệ nó. Nếu không, có thể họ sẽ được thấy các dữ liệu này trên một website của thị trường đen.

Đăng ký Website vào các thư mục Internet (internet directory)

Thư mục internet thực chất là các cỗ máy tìm kiếm (search engine) được quản lý bởi những con người bằng xương bằng thịt. Những biên tập viên của các thư mục internet tự tay biên soạn tất cả các đăng ký liên kết.

Được liệt kê trong những thư mục internet là vô cùng cần thiết vì những thư mục lớn có rất nhiều người truy cập – và mặc nhiên, website của bạn cũng sẽ được nhiều người nhìn thấy. Hơn nữa, nếu bạn được liệt kê trong những thư mục lớn thì các Crawler, robots, spiders của các search engine sẽ rất thích tìm đến website của bạn, và tự động đưa website của bạn vào thư mục của nó một cách miễn phí.

Chuẩn bị

Bạn nên chuẩn bị kỹ càng trước khi đăng ký website của mình vào bất cứ thư mục internet nào. Việc chuẩn bị là bạn cần soạn ra một phần mô tả về website của bạn với lời văn dưới 25 từ. Phần miêu tả này nên lồng vào 2-3 cụm từ khoá quan trọng mà bạn hy vọng nó được tìm thấy bởi hệ thống search engine.

Nếu bạn có đủ thời gian, hãy tập trung nghiên cứu để tìm ra những từ khoá hay mệnh đề từ khoá tốt nhất (hay được tìm kiếm nhất) cho website của mình hơn là ngồi phỏng đoán rồi đưa “đại” vào phần đăng ký.

Có một điều cần lưu ý là phần mô tả website, bạn không được đưa vào đó những câu, từ ngữ sáo rỗng và nặng tính “tiếp thị”. Bởi vậy, nếu bạn muốn bán giày dép và muốn được tìm thấy với những cụm từ liên quan như “giày thể dục”, “giày tập chạy” thì nên viết phần mô tả một cách trung thực như sau:

Chuyên bán các loại giày thể dục, giày chạy, giày ống và giày dép thời trang khác.

Nếu bạn viết một mô tả về website của mình dạng:

Cửa hàng giày dép thời trang lớn nhất thế giới, giá rẻ nhất với những nhãn hiệu nổi tiếng nhất.

Thì chắc chắn các nhà biên tập của những thư mục internet sẽ rất ghét, và bạn cầm chắc bị loại ra khỏi danh mục của họ!



Đăng ký vào thư mục Yahoo!

Mội khi bạn vào một trang tìm kiếm, khi bên cạnh thanh search hiện lên dòng chữ “Power by Yahoo!” có nghĩa là bạn đang sử dụng hệ thống tìm kiếm của Yahoo! Mà hầu hết kết quả được lấy ra từ thư mục của nó. Những cỗ máy điển hình thuộc quyền sở hữu của Yahoo! Hay phụ thuộc vào công nghệ tìm kiếm và thư mục của Yahoo! Là Altavista, Alltheweb, Overture và Inktomi.

Yahoo có 2 tuỳ chọn đăng ký: “Standard” cho bạn đăng ký miễn phí và “Yahoo Express” là tuỳ chọn trả phí dịch vụ. Bạn hãy click vào đường link này để vào thư mục Yahoo

Bất cứ ai cũng có thể đăng ký miễn phí vào Yahoo ở các danh mục phi lợi nhuận (non-commercial). bạn sẽ dễ dàng biết được danh mục nào là phi lợi nhuận, vì khi bạn cố gắng đăng ký vào một danh mục nào đó, Yahoo sẽ lập tức đưa bạn đến với tuỳ chọn “Express”.

tại sao bạn lại phải thanh toán tiền cho yahoo khi mà bạn có thể đăng ký vào thư mục miễn phí? Đơn giản là vì, nếu bạn có trả tiền, thời gian website của bạn có mặt ở thư mục của Yahoo sẽ nhanh gấp nhiều lần (từ 48 giờ). Trong khi nếu bạn không trả tiền, bạn đăng ký miễn phí thì không có một bảo đảm nào về việc bạn sẽ có mặt trong thư mục của nó. Nếu có chăng, thì cũng rất lâu sau bạn mới được ghi vào danh mục, nhưng ý nghĩa của sự có mặt này cũng không cao lắm.

Việc đăng ký website của bạn đến một danh mục phi lợi nhuận có thể sẽ được Yahoo chấp thuận nếu như lời lẽ, nội dung đăng ký bạn không đề cập đến thương mại hay quảng cáo, tiếp thị. Ví dụ, nếu bạn có một trang web kinh doanh giày thể thao, trang chủ chỉ toàn là giày và giá cả, có thể trang của bạn sẽ không được chấp thuận. Nhưng nếu trong website, bạn dành ra vài trang để tư vấn cho khách hàng của mình về việc chọn giày thể thao cho phù hợp, có lợi cho sức khoẻ thì trang của bạn lại rất được hoan nghênh.

Trong các danh mục thương mại, Yahoo yêu cầu các site phải trả 299 USD/năm để được đăng ký dịch vụ Express. Tuy nhiên, không hẳn là bạn đã đóng phí thì Yahoo sẽ liệt kê website của bạn ngay, mà trong thời gian 7 ngày, Yahoo sẽ cho bạn biết bạn có được liệt kê trong thư mục của nó hay không. Mặc dù vậy, trong tuyệt đối đa số trường hợp, Yahoo đều chấp thuận. Nếu bạn được chấp thuận, thì cứ sau mỗi năm, bạn lại phải đóng phí cho năm tiếp theo. Tuy nhiên, bạn hãy kiểm tra xem trong năm đầu, số khách truy cập mà thư mục của Yahoo mang lại cho bạn có tương xứng với số tiền bạn bỏ ra hay không. Nếu thấy không hiệu quả, bạn có quyền từ chối đóng phí, và đương nhiên, website của bạn cũng bị gạch tên khỏi danh mục của Yahoo!

Nhưng đối với hệ thống truy vết (của search engine như robots, spiders, crawlers) thì sao? Đăng ký liệt kê website tại thư mục của Yahoo vì bạn hy vọng các spiders sẽ đánh giá cao website của bạn, nhưng nay bạn không còn được liệt kê trong thư mục của Yahoo nữa thì phải chăng, hệ thống truy vết cũng mất dấu bạn? Đừng quá lo lắng! Hệ thống truy vết sẽ tiếp tục liệt kê website của bạn. Lúc này, việc xếp hạng không căn cứ vào việc bạn có được liệt kê ở thư mục của Yahoo hay không. Bởi vì, sau một năm tồn tại, bạn đã có nhiều site link đến mình - điều này có nghĩa là việc không còn được liệt kê trong thư mục của Yahoo không ảnh hưởng gì nhiều đến vị trí xếp hạng của bạn. Nếu nguồn tài chính eo hẹp, bạn có thể dũng cảm chia tay với thư mục của Yahoo và chỉ đăng ký trở lại khi nào bạn thấy cực kỳ cần thiết.

Chi phí phải trả hàng năm cho Yahoo chỉ áp dụng cho những danh mục thương mại. Nếu bạn đăng ký website của mình vào danh mục phi lợi nhuận thì website của bạn sẽ được liệt kê vĩnh viễn mà không còn phải trả tiền định kỳ hàng năm. Tuy vậy, bạn nên đọc kỹ các điều khoản trước khi đăng ký để tránh phải hối tiếc sau này.

Nhưng làm thế nao để đăng ký vào thư mục của Yahoo? Rất đơn giản: nếu bạn đăng ký vào một thư mục phi lợi nhuận, bạn chỉ việc vào trang Directory, bấm vào nút “Suggest a Site” hiện ra ở góc trên bên phải màn hình. Một ô nhập liệu sẽ xuất hiện để bạn điền thông tin. Vậy là xong.

Nếu bạn đăng ký có trả tiền, bạn không cần chọn chính xác vào một danh mục nào cả. Thay vào đó, bạn chỉ cần bấm vào đường link này . Người biên tập của Yahoo sẽ lựa chọn danh mục phù hợp giúp bạn. Việc của bạn là chỉ cần điền thông tin cần thiết.

Những hướng dẫn nêu trên chỉ vừa đủ để cho bạn được liệt kê tại thư mục của Yahoo. Nếu bạn vội và thấy thật cần thiết, cứ áp dụng những hướng dẫn này. Chắc chắn, nó sẽ mang lại hiệu quả trước mắt cho bạn. Tuy nhiên, nếu có đủ thời gian, bạn nên chuẩn bị thật kỹ càng trước khi đăng ký website vào dịch vụ quan trọng này.

Để chắc chắn nhất, bạn nên chọn một dịch vụ quảng bá website chuyên nghiệp làm giúp mình việc đăng ký website vào thư mục của Yahoo vì họ có kinh nghiệm, có kỹ năng, có quan hệ và có điều kiện thanh toán trực tuyến (chi trả bằng thẻ tín dụng).



Đăng ký website vào ODP (Open Directory Project)

Dự án thư mục mở - ODP (http://dmoz.org) được xây dựng trên cơ sở hoàn toàn miễn phí và tự nguyện (một trong những dịch vụ miễn phí tốt nhất của Netscape). Thư mục này được coi như một tuỳ chọn thiết yếu đối với hầu hết các search engine chính (Google, Yahoo, MSN, Altavista, AOL, A9, HotBot…). Vì điều này, được liệt kê ở ODP là điều cần thiết - sống còn đối với tất cả website!

Tin vui nhất cho bạn là ODP hoàn toàn miễn phí! Còn tin buồn nhất cho bạn là bạn không hề nhận được thông tin xác nhận bạn đã đăng ký vào ODP và trong bao lâu thì website của bạn sẽ được liệt kê.

Để đăng ký vào ODP, bạn hãy lựa chọn danh mục phù hợp với website của mình, sau đó chọn “Suggest a Site” ngay trên góc phải màn hình. Điền đầy đủ thông tin vào theo hướng dẫn của ODP. Vậy là xong. Nếu được chấp thuận, bạn sẽ thấy site của mình xuất hiện trong vòng 3 tuần. Nếu không, bạn phải đăng ký lại.

Cũng giống như việc bạn đăng ký vào thư mục Yahoo, trước khi đăng ký vào thư mục ODP (Dmoz), bạn nên nghiên cứu thật kỹ những nhu cầu của site mình, đồng thời phải đọc thật kỹ phần hướng dẫn của ODP - nếu không 99% là bạn sẽ bị loại khỏi nó.

Làm thế nào để đảm bảo các search engine tìm thấy website của bạn?

Một trong những vấn đề cơ bản nhất trong công nghệ SEO (Search Engine Optimization – Tối ưu hoá website cho việc tìm kiếm) là bảo đảm sao cho các trang web (của website) có thể dễ dàng tiếp cận với các Search engine

Không chỉ có trang chủ được chỉ số hoá (index) mà tất cả các trang trong đều phải được các search engine tìm thấy. Bởi vì các trang trong của website thường chứa đựng những nội dung quan trọng nhất của website, ví dụ như thông tin về sản phẩm, dịch vụ và các thông tin chung khác. Những thông tin này mới chính là cái mà chủ website muốn được khách hàng tìm thấy thông qua các search engine. Đây chính là yếu tố sống còn trong việc tối ưu hoá các trang web.

Có nhiều việc cần phải làm để bảo đảm các trang web của bạn có thể được các search engine tìm thấy, nhưng điều quan trọng trước tiên là chúng ta phải hiểu: Nguyên lý tìm kiếm và lập chỉ mục website của các search engine như thế nào?

Các search engine sử dụng “robots” (hoặc được biết dưới tên khác như “bots” hay “spiders”) để tìm kiếm nội dung, thông tin đưa vào trong danh bạ của nó. Mỗi “robot” là một chương trình máy tính (một phần mềm) có thể lướt xem (nguyên văn “crawling”) nội dung mỗi trang web thông qua các đường siêu liên kết (hyperlinks). Khi “robots” tìm thấy một tài liệu có chứa đựng nội dung trong danh bạ của search engine thì nó cho phép các liên kết tiếp theo được tiếp tục tìm kiếm và lập chỉ mục. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc cần xây dựng một website với cấu trúc hoàn hảo để nhiều trang trong đó dễ dàng được index.

Tầm quan trọng trong cấu trúc website còn được thể hiện ở chỗ, các search engine có thể phán đoán được đâu là những trang quan trọng nhất trong toàn bộ website để xếp hạng và vị trí của trang web trong website có thể ảnh hưởng rất lớn đến kết quả xếp hạng. Nhìn chung, trang chủ là trang quan trọng nhất trong toàn bộ website – nó là tài liệu bậc cao nhất và luôn luôn là tâm điểm thu hút các đường liên kết đầu vào quan trọng nhất. Tại đây, các “robots” của các search engine toả ra các trang bằng ba đường liên kết khác nhau bắt đầu từ trang chủ. Bởi vậy, những trang quan trọng nhất phải nằm ngay trong đường liên kết đầu tiên, kế đến là những trang ít quan trọng hơn.

Điều tiếp theo cần cân nhắc là làm thế nào để liên kết với các trang khác. Các robots của các search engine chỉ có thể đi theo liên kết href đặc trưng của ngôn ngữ HTML. Có nghĩa là các liên kết dạng Flash, Java Script, Dropdown menu và các nút submit không thể là lựa chọn của các robots. Điều đáng nói là đây lại chính là nét đặc trưng của các trang web động.

Như vậy, những liên kết tốt nhất chính là những liên kết HTML thông thường. Nó không chỉ cho phép các robots dễ dàng đi qua mà những dòng chữ miêu tả kèm the còn được sử dụng để miêu tả nội dung trang web sẽ liên kết đến – một điểm quan trọng trong việc tối ưu hoá trang web.

Một cách tự nhiên nhất trong việc tổ chức nội dung website chính là việc bạn phải phân loại nội dung theo những chủ đề khác nhau. Chia nhỏ các sản phẩm, dịch vụ, thông tin trong các thư mục phân loại (categories) sao cho những khía cạnh, nội dung quan trọng nhất phải được liên kết trực tiếp từ trang chủ. Một sitemap có thể được mô tả như là một trang mục lục, nó là một danh sách nối với tất cả các trang khác trong site chỉ chứa đựng trong một trang. Nếu như bạn nối đến một sitemap từ trang chủ thì robot sẽ truy cập vào tất cả các trang khác trong site. Nên nhớ rằng robot tiêu biểu không thể theo hơn 100 kết nối trong một trang. Vì vậy nếu site của bạn lớn hơn số này bạn có thể xem xét xem có thể giàn trải ra trong vài trang.

Có rất nhiều sự cân nhắc khi tối ưu hoá website của bạn cho bộ máy tìm kiếm, và làm cho trang web của bạn có thể truy cập được dễ dàng bởi các cỗ máy tìm kiếm sẽ là bước đầu tiên trong tiến trình tối ưu hóa của bạn.Theo những lời khuyên trên sẽ giúp cho toàn bộ site của bạn có thể truy cập được dễ dàng và giúp cho bạn có thể dành được thứ hạng cao và đường truyền mở rộng.

Cách tạo hiệu quả cho các đường link liên kết

Link Baiting (dịch nôm na là hình thức “câu” liên kết) là một thủ thuật mà các blogger hiếm khi dùng trong những trang web tiêu biểu.

Trong bài viết này tôi sẽ giải thích Link Baiting là gì và bằng cách nào mà mọi người (không chỉ riêng các bloggers) có thể dùng nó để tạo ra những đường liên kết có chất lượng.

Có thể bài viết hơi lòng vòng một chút trước khi vào vấn đề chính nhưng tôi không nghĩ nhiều người biết khái niệm cũng như cách sử dụng Link Baiting một cách hiệu quả.

"Link Baiting" có thể bị coi như một tiểu sảo và đó là lý do tại sao mọi người không công nhận nó một cách chính thức hợp pháp.

Tuy nhiên Link Baiting đơn giản chỉ là cách tạo đường link với một chút mánh khoé: Thay vì kích vào đường liên kết đơn thuần, bạn sẽ được nhận ngay nội dung chính và độc đáo của trang web đó.

Link Baiting hoạt động thế nào?

Link Baiting giống như trò câu cá. Bạn viết một bài (tôi sẽ đề cập đến vấn đề này sau) và để chế độ cho phép người đọc. Người khác khi đọc nội dung của bài viết này và nếu may mắn họ cảm thấy chủ đề thú vị, họ sẽ lấy một số thông tin chính làm đường link quảng cáo cho bài viết tại các trang khác. Bài viết gốc ở đây có thể gọi là mồi câu và đường link của chúng ta là mẻ cá.

Một bài viết bình thường có thể chứa rất nhiều đường link thô mà bạn ít hoặc không cố gắng làm cho nó hấp dẫn.

Ví dụ cách đây độ 1 năm tôi có viết một bài viết có tên gọi Florida Update trên một trang web. Cứ mỗi lần thu được kết quả phân tích tôi lại cập nhật thông tin cho bài viết đầu tiên này. Tôi làm việc này trong khoảng thời gian 1 hay 2 tháng gì đó. Sau này tôi đã cho xuất bản lý thuyết về cách thức cập nhật thông tin.

Bài viết đó có 88 links được dần thêm vào và đường liên kết tốt nhất tôi đánh giá là từ ODP trong danh mục tin tức của Google.

Trên thực tế bài báo này nằm trong Top 10 và nếu bạn dùng Google tìm kiếm với hai từ "Florida Update”, kết quả sẽ cho ra rất nhiều trang web đã liên kết với bài viết này của tôi.

Vậy bài viết này có gì đặc biệt?

Trong khi tôi không bao giờ có ý định hướng nó tới cách dùng Link Bait thì nó lại thành ra một kiểu trang “hook” tiêu biểu. Cách trình bày bài viết có thể nói là bản tóm tắt hoàn hảo của các phương thức “câu” liên kết mà tôi sẽ trình bày ngay dưới đây.

Khi muốn xây dựng một đường link tốt bạn cần nghĩ tới 5 cách câu link (5 loại “hooks"): News, Contrary, Attack, Resource, Humor (Tin tức, Phản Bác, Công Kích, Lưu trữ và Hài Hước).

Cách thức câu đường link theo tin tức News Hook là cách bạn đưa các tin công nghiệp. Cách làm này không hề có ý bắt chước hay rập khuôn bài viết của ai đó. Nó phải chứng tỏ sự độc đáo mà không một ai có thể nghĩ tới hay thậm chí có thể là bản tóm tắt hàng loạt quan điểm cái nhìn của nhiều đối tượng. News hook

Contrary hooks là cách bạn muốn đưa một quan điểm bất đồng với ai. Nó có thể là cái gì đó nổi bật và gây tranh cãi.

Ví dụ nếu tôi có ý định viết môt bài tuyên bố những lý thuyết gần đây nhất của Danny Sullivan chỉ là nhảm nhí, nó có thể dẫn đến hàng loạt các ý kiến phản bác lại (đặc biệt khi tôi có thể đưa ra những bằng chứng cho những luận điểm này thì càng gây tranh luận lớn).

Gần đây Mike có gửi một bài viết về Clickz trong đó ông một lần nữa chỉ ra quan điểm không tin tưởng vào những đánh giá trong Google Sandbox (khoảng thời gian 30 ngày trước khi Google tiếp nhận đường link 1 trang web trong mục tìm kiếm của nó). Ông ta thậm chí còn động chạm cả đến những bài viết trong đó Sandbox đã bỏ qua một số trang web khác.

Ngay sau khi gửi bài viết này (chỉ sau một tuần kể từ khi bài báo công bố) rất nhiều các thành viên SEM (Search Engine Marketing) đã tấn công lại ông với những chứng cớ bảo vệ cho Sandbox.

Và nếu bạn sử dụng trình duyệt của Yahoo's Site Explorer để xem những trang nào đã có liên kết tới bài này bạn sẽ thấy Yahoo! cho ra độ 80 đường dẫn liên kết tới bài viết này. Tôi có thể nói rằng Mike đã áp dụng cách thức câu đường link một cách xuất sắc!

Attack hooks là bước tiến xa hơn của dạng contrary hooks, bằng cách đưa ra những luận điểm bật lại người đã lật tẩy những lý thuyết đó lên một cấp cao hơn. Bài phản hồi đầu tiên từ SEOmoz (Search Engine Optimization Resource) gần giống như một dạng attack hook, nhưng sau khi bài viết được chỉnh sửa lại thì độ nóng của nó bị giảm đi phần nào. Họ phản đối bài viết của Mike Grehan trên Sandbox với một chút vội vàng và biến nó theo quan điểm cá nhân. Họ muốn giảm nhiệt vấn đề nhưng chính cách làm của họ lại khiến vấn đề nóng bỏng hơn. Ai mà có thể biết được bài viết này biết đâu lại có ý công kích vào nguồn SEOmoz và rồi hàng loạt xung đột sẽ tiếp diễn.

Resource hook mang nhiều ý nghĩa trang thông tin hơn. Nó là sự tổng hợp và chọn lọc thông tin cho người xem.

Trong thực tế thì Resource hook kiểu như chúng ta có một đống tin tức, chúng ta sẽ chọn lọc những tin chính có ý sau đó giải thích ý nghĩa của nó cho bạn đọc. Tiếp theo những người khác đọc bài này sẽ thuật lại y nguyên toàn bộ nội dung của bài viết hay tối thiểu tạo một liên kết tới bài viết trong một trang web khác.

Cuối cùng là Humour hook. Với cách câu đường link này bạn viết bài hệt như bạn đang viết chuyện phiếm, những chuyện hài hước, có thể thêm những tấm hình ngộ nghĩnh mà bạn đã tìm được. Đảm bảo sẽ có bài nhận định của người nào đó và hi vọng họ sẽ lưu liên kết tới trang khác cho bạn.

Có rất nhiều trang Blogs thiết kế kiểu này như Obscure Store & Reading Room và Small Town Misfit. Họ đã đi săn tìm trang web để lấy những câu truyện hài hước và sau đó đưa lên cho bạn đọc xem, khuyến khích, lôi kéo người đọc tạo đường link liên kết tới bài viết đó.

Và nó phải hoạt động có hiệu quả! Small Town Misfit đã có trên 1600 đường liên kết với công cụ tìm kiếm của Yahoo trong khi đó Obscure Store còn trên cả 1700.

Do vậy, nếu bạn đang lo lắng về cách xây dựng liên kết thế nào, có thể bạn đang học cách trở thành một “nhà chức trách” trong việc cân đo đong đếm xem nên lựa chọn các câu link nào cho hiệu quả, nhanh chóng và dễ dàng. Ngoài ra câu liên kết còn là cách làm khá hay để gây dựng uy tín và thương hiệu trực tuyến cho bạn (vì càng ngày càng nhiều người biết đến trang web của bạn hơn qua những đường link này).

Về tác giả bài viết.
Rob Sullivan là một chuyên viên tư vấn giải pháp tối ưu hoá công cụ tìm kiếm SEO Consultant (Search engine optimization) và là một cây viết cho trang Textlinkbrokers.com.
Theo Rob Sullivan
Người dịch: Hương Giang

Sự quan trọng của file Robots.txt

Một trong những điều quan trọng để web site của bạn có thể đạt High ranking (thứ hạng cao) trong các cỗ máy tìm kiếm là bạn phải xây dựng cho mình một file Robots.txt

Vậy file Robots.txt là gì? khi một search engine tìm đến (nguyên văn Crawler) web site nào đó, nó sẽ tìm một file đặc biệt trước tiên, đó là file robots.txt. File robot.txt cho search engine đó biết rằng, web site này có thể index hoặc không (tùy theo lệnh được viết trong file robots.txt).

Thực chất, file robots.txt là một tập tin văn bản đơn giản (không chứa mã HTML) được đặt trong thư mục gốc của web site, ví dụ http://www.example.com/robots.txt.

Vậy, làm thế nào để tạo ra một file robots.txt? Rất đơn giản, bạn có thể mở chương trình Notepad hay bất cứ chương trình soạn thảo văn bản nào, lưu file với tên robots.txt là xong. Các dòng lệnh trong file này có cấu trúc như sau:

User-agent: googlebot
Disallow: /cgi-bin/

Trong đó User-agent: là đại diện của một search engine, Googlebot là spider của Google. Trong ví dụ này, chỉ các spider của Google là được phép index web site. Disallow: là không cho phép thực hiện điều gì đó. ở ví dụ trên là không cho phép các spider index thư mục "cgi-bin" trong web site.

Ví dụ thứ hai:

User-agent: googlebot
Disallow: /support

Tất cả các trang nằm trong thư mục support, hay support-desk sẽ không được index.

Nếu bạn muốn tất cả các search engine có thể index web site của bạn, nhưng không được index các trang trong thư mục "cgi-bin" thì sử dụng lệnh sau:

User-agent: *
Disallow: /cgi-bin/

Những điều nên tránh:
+ Không sử dụng các chú thích trong file robots.txt, nó có thể làm cho các spider của search engine bị lầm lẫn. Ví dụ:

"Disallow: support # Don't index the support directory" might be misinterepreted as "Disallow: support#Don't index the support directory".

+ Không được để khoảng trắng ở đầu dòng lệnh, ví dụ:
User-agent: *
Disallow: /cgi-bin/

+Không thay đổi trật tự của các dòng lệnh. Ví dụ:
Disallow: /support
User-agent: *

+ Không sử dụng quá một thư mục trong dòng lệnh Disallow. Ví dụ:

User-agent: *
Disallow: /support /cgi-bin/ /images/

các search engine không hiểu định dạng trên. bạn nên viết thế này:

User-agent: *
Disallow: /support
Disallow: /cgi-bin/
Disallow: /images/

+Phải chắc chắn các mệnh đề, từ sử dụng trong lệnh là đúng. Ví dụ, thư mục của bạn là "cgi-bin" (viết thường, không viết hoa), nhưng khí vào lệnh, bạn lại viết là "Cgi-Bin" thì các spider sẽ "bó tay".

+ Không nên dùng lệnh Allow trong file robots.txt, bởi vì trong web site của bạn chắc chắn sẽ có một số trang hoặc một số thành phần bạn không muốn bị người khác "nhòm ngó". nếu bạn sử dụng lệnh Allow, tất cả mọi ngóc ngách trong web site của bạn sẽ bị index!

Bạn có thể tham khảo tập tin robots.txt tại các web site nổi tiếng trên thế giới là Ebay và Nytimes:

http://www.nytimes.com/robots.txt
http://www.ebay.com/robots.txt.

Các cỗ máy tìm kiếm hoạt động như thế nào?

Thuật ngữ "Cỗ máy tìm kiếm - search Engine" được dùng chung để chỉ 2 hệ thống tìm kiếm: Một do các chương trình máy tính tự động tạo ra (Crawler-Based search Engines) và dạng thư mục internet do con người quản lý (Human-Powered Directories).

Hai hệ thống tìm kiếm này tìm và lập danh mục website theo 2 cách khác nhau.

Crawler-Based Search Engines - Hệ thống tìm kiếm trên nền tự động

Những cỗ máy tìm kiếm tự động, như Google, tạo ra những danh sách của họ tự động. Chúng sử dụng các chương trình máy tính, được gọi là "robots", "spiders", hay crawlers để lần tìm thông tin trên mạng. khi có ai đó tìm kiếm một thông tin, các Search engine lập tức hiển thị các thông tin lưu trữ tương ứng. Nếu bạn thay đổi những trang web của các bạn, những cỗ máy tìm kiếm tự động dần dần tìm thấy những sự thay đổi này, và điều đó có thể ảnh hưởng đến bạn được liệt kê như thế nào. Những tiêu đề trang, nội dung văn bản và các phần tử khác đều giữ một vai trò nhất định.

Human-Powered Directories - Các thư mục do con người quản lý và cập nhật

Các thư mục internet - ví dụ như Dự án thư mục mở - Open Directory Project (Dmoz.org) hòan tòan phụ thuộc vào sự quản lý của con người. Bạn đăng ký website của bạn vào thư mục với một vài dòng mô tả ngắn gọn hoặc các biên tập viên của thư mục viết giúp phần mô tả cho bạn - chúng phù hợp với nội dung và chủ đề của từng danh mục.

Việc thay đổi những trang web của các bạn không có hiệu lực trên danh mục của các bạn. Những thứ hữu ích để cải thiện vị trí xếp hạng với một cỗ máy tìm kiếm không có gì để làm với việc cải thiện một vị trí trong một thư mục. Ngoại lệ duy nhất là một site tốt, với nội dung tốt, có lẽ thích hợp hơn để được xem xét so với một website nghèo nàn.

"Hybrid Search Engines" - Các hệ thống tìm kiếm tổng hợp

Ngày trước, mỗi cỗ máy tìm kiếm sử dụng giải thuật riêng để tạo sự khác biệt. Đã là hệ thống tìm kiếm tự động thì không kèm theo một thư mục internet và ngược lại. Nhưng hiện nay, hầu hết hệ thống tìm kiếm đều là sự tổng hợp của hệ thống tìm kiếm tự động và một thư mục do con người quản lý. Ví dụ, Yahoo có Yahoo Directory, Google có Google directory (dựa trên thư mục Dmoz), MSN và các hệ thống tìm kiếm khác cũng vậy.

Các thành phần của một cỗ máy tìm kiếm tự động

Những cỗ máy tìm kiếm tự động có ba phần tử chính. Đầu tiên là spider, cũng được gọi là crawlers. Spider đến thăm một trang web, đọc nó, và sau đó đi theo sau những mối liên kết tới những trang khác bên trong website. Có nghĩa là, khi có ai đó tìm kiếm đến một trang, các spiders sẽ ghi nhớ điều đó. Nó sẽ quay lại trang đó và theo chu kỳ 1-2 tháng. Như vậy, nếu trang web được tìm thấy càng nhiều, thì các spiders càng năng quay trở lại hơn và như thế, kết quả tìm kiếm của bạn cũng được cải thiện theo.

Mọi thứ spider tìm thấy đi vào trong phần thứ hai của cỗ máy tìm kiếm, Chỉ mục (the index). Chỉ mục, đôi khi gọi là tài liệu, là một kho lưu trữ khổng lồ chứa đựng một sự sao chép của mọi trang web mà spider tìm thấy. Nếu một trang web thay đổi, thì danh sách này được cập nhật với thông tin mới.

Đôi khi, cần phải có thời gian để các spiders lập chỉ mục cho một trang mới hay một trang được thay đổi nội dung. Như vậy, sẽ có trường hợp: một trang đã được các spiders tìm đến, nhưng lại chưa được lập chỉ mục. Và trong khỏang thời gian này, trang web sẽ hòan tòan không tồn tại trên Search engine.

Phần mềm tìm kiếm chính là phần tử thứ ba của một cỗ máy tìm kiếm. Đây là một chương trình máy tính có chức năng sàng lọc thông tin từ hàng triệu trang tương tự nhau để sắp xếp vị trí từng trang sao cho phù hợp nhất. Đây chính là nơi mà các công ty SEO khai thác để đưa một website nào đó lên vị trí Top khi được tìm kiếm với một hay nhiều từ khóa chỉ định.

Major Search Engines: Các cỗ máy tìm kiếm chính - Giống nhau nhưng cũng khác nhau

Tất cả các cỗ máy tìm kiếm tự động có những phần cơ bản được mô tả ở trên, nhưng có những sự khác nhau trong những phần này trong việc nó được điều chỉnh tác động như thế nào. Đó là lý do tại sao cùng một từ khóa, khi tìm kiếm trên những cỗ máy tìm kiếm khác nhau thường cho ra những kết quả khác nhau. Một ví dụ cụ thể: Nếu bạn đánh một từ khóa, thì Google, Yahoo, MSN, AOL, Ask hay Exactseek đều cho ra các kết quả khác nhau, dù có nhiều website hơi giống nhau.

Web 2.0: Lập doanh nghiệp không cần vốn lớn

Ảnh: eWeek.
Ảnh: eWeek.

Khi Seth J. Sternberg và hai cộng sự tung ra dịch vụ chat tích hợp trong web Meebo, họ không nghĩ tới chuyện tìm kiếm các nhà đầu tư. Với số vốn ít ỏi 2.000 USD, họ vẫn đủ khả năng thanh toán khoản chi phí đắt đỏ nhất là 120 USD/tháng để duy trì hoạt động của máy chủ.

Chỉ sau 1 tháng (9/2005), Meebo thu hút 50.000 lượt đăng nhập mỗi ngày và cần được trang bị thêm server. Sternberg quyết định chỉ nhận tổng cộng 100.000 USD từ 3 nhà đầu tư mạo hiểm (venture capitalist - VC) khác nhau do không muốn những người này can thiệp quá sâu vào quá trình quản lý.

“Chúng tôi được hàng chục nhà đầu tư mạo hiểm để mắt tới nhưng họ chỉ nhận được những cái lắc đầu. Sự xuất hiện bóng dáng các VC luôn làm phát sinh nhiều vấn đề và tiến độ công việc của chúng tôi bị chậm lại”, Sternberg giải thích.

Cuối cùng, Meebo cũng chấp nhận 3,5 triệu USD từ Sequoia Capital nhưng đó là khi công ty này đã đi vào quỹ đạo và khẳng định được vị trí trên thị trường với 200.000 lượt đăng nhập/ngày.

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trên Internet ở thung lũng Silicon (Mỹ) và nhiều nơi khác trên thế giới đã đi theo con đường tương tự, khác với thời kỳ bùng nổ Internet đầu tiên khi đa số các công ty được hình thành với ngân sách khổng lồ.

Nhiều doanh nghiệp không màng tới các nhà đầu tư, một số khác lại bán sản phẩm cho hàng triệu người rồi mới đồng ý cho giới VC can thiệp. Tình trạng này khiến các VC cảm thấy bức bối bởi họ cần đầu tư để sinh lãi.

Tuy vậy, dù nổi như cồn và sở hữu ứng dụng thu hút người tiêu dùng, những đợt sáp nhập vào các hãng lớn không mang lại nguồn kinh phí quá cao cho những công ty nhỏ thuộc thế hệ Web 2.0 đang mọc lên như nấm sau mưa này. Chẳng hạn, Google mua lại Writely và gần đây là JotSpot, cũng như Flickr gia nhập Yahoo đều với khoản tiền không được công bố, có lẽ bởi chúng không gây chấn động như trường hợp ngoại lệ YouTube khi nhận được 1,6 tỷ USD từ Google.

“Trong giai đoạn này, ai cũng có thể trở thành doanh nhân”, Joe Kraus viết trên blog của mình. Ông cũng chỉ cần 100.000 USD để thành lập và duy trì JotSpot - công ty xây dựng chương trình bảng tính như một ứng dụng wiki.

Doanh nghiệp thịnh - suy vì blog



Viễn cảnh bị cả một "đội quân" những người bình luận trực tuyến theo dõi, mổ xẻ kỹ lưỡng và chỉ trích chẳng khác nào tai họa đối với hầu hết các công ty kinh doanh.

Internet đang tạo ra một môi trường mở cho bất cứ ai cũng có thể đưa quan điểm, ý kiến của họ tới cộng đồng người đọc rộng khắp. Sau nhiều năm vất vả đánh bóng tên tuổi, hình ảnh và sản phẩm của một số công ty danh tiếng lại bị hủy hoại bởi giới blogger (những người lập và đăng thông tin trên web cá nhân). Bởi vậy, hiện nay doanh nghiệp bắt đầu để mắt đến việc người ta viết gì về họ trên blog và cố gắng đàm phán với các blogger.

'Địa ngục' của Dell

Hãng máy tính Dell hẳn đã thấm thía sức mạnh của blogger. Năm ngoái, một khách hàng tên Jeff Jarvis trút những lời bực bội lên trang web nhật ký Buzzmachine của mình về những vấn đề xảy ra với chiếc laptop hiệu Dell cũng như sự chăm sóc khách hàng tắc trách của công ty.


Bài viết này thu hút sự tham gia của hàng trăm blogger khác, đến nỗi các chuyên gia nghiên cứu thị trường kết luận rằng thương hiệu Dell sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong một thời gian dài. Dell thừa nhận đáng ra họ đã có thể xoay chuyển tình thế tốt hơn và khẳng định giờ đây họ luôn quan tâm đến các trang cá nhân và liên hệ trực tiếp ngay khi có ai đó bày tỏ thái độ bất bình.

Siêu thị Tesco và Sainsbury ở Anh cũng đã hứng chịu làn sóng phẫn nộ của cộng đồng blog và có thể sẽ phải trải qua một đợt thanh tra chính thức vào cuối năm nay.

'Thiên đường' cho doanh nghiệp nhỏ

Blog cũng là phương tiện nâng đỡ cho doanh nghiệp nếu họ biết tiếp cận cộng đồng này một cách đúng đắn. "Các công ty không có ý định kiểm soát những lời bình phẩm trên mạng, bởi thực tế là họ không thể. Web hiện hữu và mở rộng cho tất cả mọi người. Và đây chính là một cơ hội chứ không phải thảm họa", Matthew Yeomans, chuyên viên tại Custom Communication (Anh), tổ chức chuyên định hướng cho các doanh nghiệp trong thế giới blog, nhận định.

Hugh Macleod, chuyên gia tư vấn về blog, kể lại: "Tôi thất nghiệp và vùi đầu vào khám phá blog. Tôi dần tạo dựng được tiếng tăm nhất định như một nhà bình luận tự do. Thomas Mahon, một trong những ông bạn nhậu của tôi, là một thợ may. Tôi bảo ông ấy nên lập web cá nhân và trang English Cut - blog đầu tiên về may mặc - ra đời. Bây giờ, chỉ cần gõ từ khóa 'Savile Row' trên công cụ tìm kiếm Google, bạn sẽ thấy site của chúng tôi đứng ở vị trí số một. Công việc của ông ấy cũng bất ngờ thăng hoa chỉ sau một thời gian ngắn".

Macleod tiếp tục thuyết phục Stormhoek, một công ty kinh doanh rượu nhỏ ở Nam Phi, sử dụng trang web Gaping Void của ông làm phương tiện tiếp thị.

Trong giai đoạn đầu, ông phân phát những chai rượu miễn phí tới khoảng 100 blogger tại Anh, cộng hòa Ireland và Pháp. Từ đó, ngày càng nhiều blogger viết về rượu Stormhoek và doanh số của công ty này tăng gấp đôi từ 50.000 thùng rượu năm 2004 lên 100.000 thùng năm ngoái.

Giai đoạn tiếp theo, Stormhoek quyết định tài trợ rượu miễn phí mỗi khi có một blogger tổ chức tiệc nhằm xây dựng hình ảnh về "những bữa tối sang trọng". Công ty đang gấp rút chuẩn bị cho kế hoạch "100 bữa tiệc trong 100 ngày" tại Mỹ, bắt đầu từ 1/5 đến 9/8.

"Chúng tôi chỉ là một thương hiệu nhỏ nhưng nổi tiếng toàn cầu. Nhờ Internet, bạn không nhất thiết phải có thế lực hay nguồn tài chính dồi dào mới có thể được biết đến trên toàn thế giới như 10 năm trước đây", Macleod kết luận.

Công nghệ rửa tiền ăn cắp bằng game online

Hoàng, một thanh niên chơi game từ năm 2003 và được Nam "trùm" chi tiền nuôi cả tháng. Sau đó Nam dạy Hoàng cách đăng ký tài khoản, giao dịch qua mạng để dùng "acc chùa" mua đồ trong game. Vì là tiền ăn cắp nên Hoàng tiêu không biết xót...

Mù tin học vẫn là đạo chích

Da xanh, mắt trố, người còm, Hoàng lững thững bước vào cái quán lụp xụp của bà Ba Béo, ở một "phố nét" gần Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội). Với chiếc bàn phím cũ rích bấm đến đau tay, Hoàng thao tác bằng tốc độ mà những nhân viên đánh máy chuyên nghiệp nhất cũng phải chào thua: dùng toàn phím tắt, mắt dán chặt vào màn hình.

Việc đầu tiên Hoàng làm là mở e-mail, trong đó có sẵn cả trăm acc "chùa" (tài khoản chùa) được mua hoặc xin từ bạn bè. Sau đó, Hoàng mở những trang web thanh toán trực tuyến như paypal, visa mastercard... lần lượt thử hết acc này đến acc khác. Sau khoảng 5 acc đầu tiên không thể đăng nhập vì sai password (do chủ thẻ đổi pass) hoặc tài khoản đã hết hạn sử dụng, Hoàng cho biết: "Dùng paypal dễ hơn visa vì paypal chỉ cần thông tin về username và password thì mình được bọn hacker cung cấp rồi. Còn visa đòi phải trả lời đầy đủ các thông tin từ chủ tài khoản như tên tuổi, câu hỏi bí mật... mà cái đó thì thường mình không có đủ". Hoàng còn tiết lộ: "Một số trang web không chấp nhận giao dịch từ IP Việt Nam nên tụi em còn dùng một phần mềm chuyển thành IP nước ngoài mới có thể giao dịch được".

Sau chừng 10 phút, Hoàng reo lên khe khẽ: "Đây rồi, mày chết với ông". Một tài khoản đã được đăng nhập. Ngay sau đó, Hoàng đăng ký tới 5 nhân vật trên game Silkroad Online, chuyển khoản cho nhà cung cấp rồi vào Items Mall (nơi bán vật dụng hỗ trợ cho người chơi) để mua astral tăng tỷ lệ thành công khi nâng cấp đồ đạc, vật phẩm nhân đôi điểm kinh nghiệm và một con khỉ nhặt đồ. Hoàng cho mỗi món đồ vừa mua vào một nhân vật vừa đăng ký và ngước lên nói với phóng viên: "Xong rồi nhé, anh lấy giấy bút ghi username và password của mấy nhân vật em vừa lập đi, rồi chuyển đồ vào con (nhân vật) mà anh muốn lên level cao hơn. Cũng nhiều người đặt em làm game Việt, nhưng nguy hiểm lắm. Làm game quốc tế tắt máy là xong, làm game Việt không biết bị tóm lúc nào".

Hoàng 17 tuổi, chỉ mới học hết lớp 7, một chữ tiếng Anh, một thuật ngữ tin học cũng không biết. "Tất cả đều do thói quen, ấn cái gì, ở góc nào, em chẳng cần biết nghĩa của từ đó, cứ quen tay là làm được", Hoàng giải thích.

Hoàng mở ví ra khoe: "Mấy thằng bọn em một tí tiếng Anh cũng không biết nhưng đứa nào cũng có vài cái thẻ ANZ, Visa Mastercard... Sau khi đặt mua được đồ, chuyển vào nhân vật, em giao cho anh Nam rồi nhận 5% số tiền. Một acc hack được trị giá 100 USD thì em được chừng 3-4 USD, ngày làm vài cái sống cũng tạm được. Anh Nam được gọi là 'trùm' vì lo đầu ra cho hàng chục thằng dùng acc chùa mua đồ như em".

Con đường thành "trùm"

Hoàng chỉ là một mắt xích, người đứng sau thao túng cả đường dây ở khu vực này chính là Nam "trùm".

Năm 2000, Nam chỉ là một cậu sinh viên bình thường chơi game bằng tiền xin mẹ. Sau một thời gian, Nam bắt đầu tập buôn bán đồ trên game theo hình thức C2C (giữa người chơi với người chơi). Nam mua của người chán và bán cho người thèm. Cứ thế dần dần trở thành một trung gian luôn có trong tay hàng tá món đồ đắt tiền. Tuy nhiên, làm thương lái trên game như vậy không ăn chênh lệch nhiều. Một lần, qua trao đổi với người bạn du học ở Hàn Quốc, Nam đã được chỉ cách dùng tài khoản thanh toán trực tuyến (ăn cắp được) mua đồ trong game. "Nhưng làm như thế rất dễ bị kiện. Khi chủ thẻ thấy mất tiền, họ sẽ truy ra được tiền của họ đã chuyển đến đâu. Họ sẽ kiện nhà cung cấp game, nhà cung cấp sẽ khóa nhân vật của mình ngay lập tức". Với suy luận ấy, Nam đã nghĩ ra cách chuyển đồ vào các nhân vật mới lập rồi từ đó chuyển sang nhân vật mình đang chơi.

Có học và từng nhiều năm buôn bán, Nam thừa hiểu những rủi ro của cách làm trực tiếp. Và nếu ăn cắp tài khoản như vậy cũng chỉ có thể phục vụ cho một nhân vật trong game. Từ ý nghĩ kiếm tiền qua game, Nam huy động 3-4 đệ tử như Hoàng "còm", Long "cóc", Phương "trọc"... chuyển giao cách chuyển tiền, cách mua đồ từ acc "chùa" rồi biến chúng thành đầu mối cung cấp hàng, Nam chỉ lo tiêu thụ hàng ăn cắp.

Công nghệ rửa tiền

Để nâng cao "uy tín" trong thế giới ảo, Nam đã xây dựng một nhân vật vào hàng "khủng bố". Trong một thời gian ngắn, Nam có thể tu luyện cho nhân vật của mình trở thành "minh chủ võ lâm" bởi ít người dám bỏ hàng trăm USD để có 1 món đồ. Nhưng Nam thì "vô tư" bởi tiền đó là tiền chùa. Chủ thẻ phải trả tiền chứ Nam đâu mất đồng nào. Sau đó, với uy tín của một trong những nhân vật sừng sỏ "có số" trong game, Nam rao bán đồ hoặc bảo lãnh cho đàn em bán đồ. Nam cho xem hàng chục tin nhắn đặt mua đồ qua điện thoại của người chơi từ Úc, Nhật, Hàn, nhiều nhất là từ Trung Quốc... và hàng trăm e-mail trên game.

Nếu ở Silkroad, có ngày Nam bán chừng 100 món đồ lấy gold (vàng trong game), rồi bán gold cho người chơi khác để lấy tiền thật. Tính ra USD thì cũng được chừng 200. Nam nhờ một người bạn ở nước ngoài lập tài khoản bằng thẻ thanh toán quốc tế. Người chơi muốn mua gold sẽ gửi tiền vào tài khoản của bạn Nam ở nước ngoài. Nam lại có một kênh chuyên cung cấp quần áo thể thao, đồ điện tử..., thông qua người bạn chuyển về theo dạng quà tặng.

"Thằng Nam không đời nào ra bưu điện. Khi có hàng, sẽ có một bọn đệ tử ra bưu điện lấy, mang thẳng đến địa chỉ cần nhận, tiền lấy sau", Hùng "già", một đầu nậu khác, giải thích thêm về khâu cuối cùng trong chu trình rửa tiền qua game.

Theo mô tả của Hùng "già", quy trình rửa tiền qua game bắt đầu bằng việc những người chuyên ăn cắp mật khẩu thẻ tín dụng dùng phần mềm gián điệp tấn công vào các website bán hàng trực tuyến hoặc máy tính của chủ thẻ để lấy thông tin. Sau đó bán rẻ (hoặc công bố "free" trên mạng) cho các tay chuyên chuyển tiền phi pháp. Ví dụ Hoàng "còm" có thể lấy acc "chùa" trên một số website, nhưng có đến 90% là các thẻ đã bị đổi pass hoặc hết hạn. Thường là bọn chúng có đường dây riêng, bỏ vài trăm nghìn đồng để có được vài chục thẻ đã bị hack, rồi từ đó chuyển khoản để mua các vật dụng hỗ trợ người chơi game (khuynh hướng của các nhà cung cấp game online hiện nay là không thu phí, chỉ bán vật dụng hỗ trợ bằng tiền thật). Đó là giai đoạn 1, dùng tiền "bẩn" mua đồ trong game. Giai đoạn 2, đạo chích chuyển vật phẩm vào nhân vật mới lập và bán cho các đầu nậu như Nam "trùm" với giá chừng 3 - 5% giá trị thật. Nam bán vật phẩm cho người chơi khác lấy gold, rồi bán gold với giá chỉ bằng 50% giá trị thật để lấy USD qua một tài khoản ở nước ngoài. Số tiền đó sẽ được dùng mua quần áo thể thao, hàng điện tử... rồi chuyển về qua đường bưu điện theo dạng quà tặng.

Vậy là đồng tiền "bẩn" đã được rửa sạch...

(Theo Thanh Niên)