Báo điện tử tiếng Việt: Phần chìm của tảng băng


Không còn nghi ngờ gì nữa, sau chỉ vài năm khởi động, Báo điện tử tiếng Việt đã tạo dựng và khẳng định vị thế của mình trên mặt trận truyền thông. Trong nỗ lực đi tìm một mô hình chuyên nghiệp và triển vọng quảng cáo trực tuyến, vậy đâu sẽ là lối đi cho những tờ báo điện tử tiếng Việt?Quảng cáo: thu có bù chi? 11 tỷ USD là doanh số mà quảng cáo trực tuyến trên toàn cầu có thể đạt được trong năm 2005, theo dự báo của eMarketer. Và một khi mà quảng cáo trên các phương tiện truyền thống như truyền hình, phát thanh, báo giấy ngày một bão hoà, thì báo điện tử hứa hẹn sẽ là miền đất hứa trong ngành công nghiệp quảng cáo. Đó cũng là niềm hy vọng trong tương lai của báo điện tử ở nước ta. Còn hiện tại, chỉ xét trong số 20 tờ báo điện tử tiếng Việt hàng đầu hiện nay, chỉ có duy nhất VnExpress có thể đạt tới con số 700 triệu doanh số quảng cáo/ tháng. Nghĩa là quảng cáo có thể bù chi phí hoạt động, còn lại các báo khác thì mức độ đầu tư ngày một tăng mà nguồn thu từ quảng cáo không đáng kể. Nếu tờ báo nào nghĩ rằng có thể nhanh chóng thu lời từ hoạt động báo điện tử thì đó thực sự là một sự ngộ nhận lớn, ít ra là trong thời điểm từ nay đến hết năm 2010. Ông Nguyễn Công Khế - Tổng biên tập báo Thanh Niên cho rằng: "Hiện nay, làm báo điện tử là lỗ. Trong 5, 10 năm nữa, tôi cũng chưa hình dung được, có thể lúc đó hệ thống báo điện tử ở nước ta phát triển đạt đến mức nào, và quen thuộc với độc giả đến đâu. Lúc đó chúng ta mới tính đến chuyện có thu được quảng cáo hay không. Với bản thân tôi, tôi nghĩ còn rất lâu". Tổng biên tập HTV Mã Diệu Cương lại cho rằng: "Quảng cáo sẽ là nguồn thu chủ yếu. Còn tạo nguồn thu từ quảng cáo, đó là xu hướng tất nhiên. Có tạo được nguồn thu thì tờ báo mới phát triển được. Và trên cơ sở phát triển như thế mới mở rộng được các vấn đề khác". Tổng biên tập Báo điện tử Vietnamnet Nguyễn Anh Tuấn còn khẳng định, hiện chưa có tờ báo điện tử nào có lợi nhuận từ việc kinh doanh báo điện tử của mình. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, tờ báo điện tử lại có thể tạo ra những lợi ích gián tiếp. Mỗi tháng, tính sơ sơ tiền nhuận bút, tiền thuê đường truyền, máy chủ, mỗi tờ báo điện tử cũng ngốn tối thiểu 100 triệu, chưa kể các khoản đầu tư hạ tầng, trang thiết bị. Những tờ báo có tiềm lực lớn như Thanh Niên trực tuyến đầu tư trên dưới 6 tỷ đồng, nhưng doanh thu từ quảng cáo giỏi lắm cũng chỉ bù đắp khoảng 5% khoản chi nói trên. Ngay như Vietnamnet, một tờ báo điện tử có mức đầu tư lớn nhất trong năm qua, mỗi tháng cũng chỉ thu về 100 triệu doanh thu quảng cáo. Câu hỏi đầu tiên có thể đặt ra là, một lĩnh vực phát triển nhanh, mạnh như báo điện tử, tại sao nguồn thu từ quảng cáo lại không đáng kể? Lý do đáng kể hơn cả chính là lượng người sử dụng Internet ở nước ta còn hạn chế, chỉ chừng độ 6 triệu người/hơn 80 triệu dân số, lại tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Câu hỏi thứ hai, với báo điện tử, nguồn thu chủ yếu là quảng cáo, trong khi quảng cáo thu được không đáng kể, tại sao mức độ đầu tư phát triển báo điện tử không hề giảm mà ngày một tăng? Rất đơn giản, vì phát triển báo điện tử chính là một cách đầu tư hiệu quả cho tương lai. Và đương nhiên, những lợi ích ngoài kinh doanh ngay bây giờ đã hiện rõ. Ông Nguyễn Khắc Thuyết - Trưởng ban thư ký báo Nhân Dân điện tử khẳng định:"Chúng ta đã thấy rất rõ qua 6 năm phát triển Nhân dân điện tử, hiệu quả về công tác tuyên truyền phục vụ đối ngoại rất rõ rệt. Do vậy, ban biên tập Nhân Dân điện tử nhận thấy phải tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, kĩ thuật và đầu tư mạnh hơn nữa để phát triển Nhân dân điện tử kể cả bản tiếng Việt lẫn tiếng Anh". Tổng biên tập HTV Mã Diệu Cương cho biết quyết tâm của HTV điện tử: "Chủ trương của chúng tôi là phải có chế độ ưu đãi để khuyến kích phát triển, mặc dù có thể hiện nay chúng tôi đang khó khăn trong việc tạo ra nguồn thu. Nếu đã từng làm website rồi thì ai cũng biết chỉ có chi tiền ra mà thôi. Thế nhưng nó lại được 1 cái khác, cái được đó lớn hơn rất nhiều và chắc chắn trong tương lai, khi dịch vụ Internet và truyền hình là một thì hiệu quả còn cao hơn nhiều". Theo quan điểm của thư ký Tuổi trẻ điện tử Đồng Phước Vinh thì: "Vấn đề khó nhất là các báo điện tử chừng mực nào đó đếu chỉ được xem như một nhánh phụ, chứ không phải là một tờ báo điện tử thứ thiệt hoàn toàn. Các nguồn thu phụ thuộc vào sự điều tiết từ nguồn thu chung đi qua. Nếu sự hỗ trợ tốt từ báo mẹ thì báo điện tử đó sẽ mạnh, nhưng tương lai báo điện tử sẽ tự tìm đường giống như cách chúng tôi đang nghiên cứu, tức là tự tìm ra tiền nuôi mình, ngoài nguồn thu quảng cáo, ấn bản dạng thu phí sẽ là một nguồn thu đáng kể". Giống như bản thân việc phát triển báo điện tử đang trong giai đoạn sơ khởi, vừa phát triển vừa tự điều chỉnh để kiếm tìm một mô hình phù hợp, việc tìm kiếm các nguồn thu cho báo điện tử cũng đang đi những bước chập chững. Có thể rồi đây, người ta sẽ phải tính đến phương án hỗ trợ, chia sẻ doanh số từ các nhà cung cấp dịch vụ kết nối Internet đối với các nhà cung cấp nội dung. Nhưng trước mắt, nguồn thu rõ ràng nhất chính là quảng cáo trực tuyến. Có những báo điện tử có bộ phận thực hiện dịch vụ quảng cáo trực tiếp như Vietnamnet hay VnExpress. Phổ biến hơn, phù hợp hơn trong giai đoạn hiện nay chính là thực hiện quảng cáo qua một đơn vị trung gian như Scom đang là đơn vị thực hiện quảng cáo chính thức của VTV web, VnnMedia,… Hay như mô hình khoán quảng cáo của Người Lao động điện tử cũng là mô hình đáng tham khảo. Phụ trách Người Lao động điện tử Bùi Bình Thiết cho biết: "Khoảng 300 triệu đồng một năm là mức khoán hiện nay, chúng tôi sẽ phấn đấu để nâng dần lên 500 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó chúng tôi có thể sử dụng ngay cả quảng cáo báo giấy. Ví dụ khi quảng cáo trên báo điện tử thì thì chúng tôi chỉ thu phí bằng 10% cùng cỡ với báo giấy để khuyến khích các doanh nghiệp. Tôi tin rằng một thời gian nữa, thị hiếu doanh nghiệp quảng cáo trên báo điện tử sẽ tăng lên. Có lẽ đó cũng là hy vọng chung của tất cả các báo điện tử". Một hình thức tạo nguồn thu cho báo điện tử là thu phí cũng được báo Người Lao động điện tử từng thử nghiệm. Nghĩa là hàng tháng, người sử dụng sẽ đóng một khoản phí nhất định và hàng ngày, cùng thời gian với báo in phát hành, độc giả sẽ nhận được một thư điện tử có đính kèm file kiểu như pdf. Người đọc có thể phóng to, thu nhỏ… hay có những thao tác giống như đọc trên báo in vậy. Cách đọc khác, và cũng không kèm quảng cáo. Tuổi trẻ Online cũng đang nghiên cứu để áp dụng hình thức này. Ông Đồng Phước Vinh cho rằng, ngay cả trên báo điện tử cũng sẽ xảy ra hai xu hướng, một xu hướng là báo miễn phí, trên dạng Website như truyền thống. Một hình thức khác là báo điện tử thu phí. Một số tờ báo điện tử của Anh cũng đang áp dụng hình thức này. Trên Website miễn phí nhưng ấn bản file *.pdf của họ, 1 năm là 78 bảng Anh. Một chuyên gia hàng đầu của hiệp hội báo chí quốc tế khi sang Việt Nam làm việc đã phải thừa nhận, báo điện tử là một mô hình truyền thông hoàn toàn mới, nên đối với họ mọi thứ cũng đang trong quá trình tìm kiếm câu trả lời, hướng đi phù hợp nhất. Và có lẽ, tìm kiếm một mô hình làm báo điện tử chuyên nghiệp cũng là câu hỏi mà nhiều tờ báo tiếng Việt đặt ra hiện nay. Từ một góc nhìn chuyên nghiệp Nếu bạn là độc giả thường xuyên của các tờ báo điện tử, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy nhiều bài báo in, chương trình phát thanh, truyền hình được biên tập lại và đưa lên báo điện tử. Bản thân các báo điện tử cũng hay sử dụng lại bài của nhau. Một kết luận: làm báo điện tử không khó, chỉ copy, cắt dán là xong!. Kết luận không sai nhưng chỉ là một phần rất nhỏ của tảng băng. Thực sự, không hề dễ dàng để có một bài báo đúng chất điện tử từ cách rút tít bài, cho đến cách viết chapeau ngắn gọn, trình bày hấp dẫn… Và bạn cũng sẽ không ngạc nhiên khi phát hiện thấy nhiều khi bài biên tập lại trên báo điện tử còn hấp dẫn hơn bài báo gốc. Chưa hết, một tờ báo điện tử đúng nghĩa còn phải có các bài do chính đội ngũ phóng viên của tờ báo thực hiện; cập nhật hàng giờ, tin tức nóng hổi và hấp dẫn, làm sao để độc giả luôn luôn phải ghé thăm mình trong bộn bề các tờ báo điện tử đang và ngày càng được đầu tư mạnh mẽ. Trưởng phòng Nội dung-Ban biên tập báo điện tử VOV Online Nguyễn Thuý Hoa khẳng định: "Các loại hình báo điện tử là loại hình mới, nhưng cũng rất quen thuộc với mọi người. Vì mọi người đếu hiểu rằng báo điện tử là tổng hợp của báo in, báo viết, có thể xem, nghe, nhìn, đọc... Có thể xem là tổng hợp của nhiều loại hình báo chí. Vì thế, nói đơn giản, những bài viết mang tính đặc trưng của báo in trên Internet thì không đơn giản là đem văn bản của những trang phát thanh rồi đưa lên trang web". Từ một góc nhìn quá ư đơn giản về công việc làm báo điện tử, nhiều tờ báo, thậm chí cả một số đơn vị truyền thông lớn rất chậm chân trong việc phát triển các ấn bản điện tử của mình. Vì nhìn đơn giản, nên làm cũng đơn giản, dẫn đến một cái thiếu cơ bản đầu tiên là một đội ngũ chuyên nghiệp xây dựng và phát triển nội dung báo điện tử. Các tờ chuyên nghiệp như VnExpress, Vietnamnet, Thanh Niên, Tuổi trẻ sớm hoàn thiện bộ máy chuyên nghiệp. Ngay như đài tiếng nói Việt Nam năm 97 chỉ là một nhóm nhỏ, sau thành cấp phòng và nay là một ban biên tập độc lập gồm trên 30 biên tập, kỹ thuật viên. Bản thân trang thông tin chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam trên Internet cũng đã có bước phát triển đột phá khi chuyển mô hình kiêm nhiệm sang mô hình chuyên nghiệp ngay từ năm 2003. Phó TBT website Đảng Cộng sản Trần Doãn Tiến cho biết: "Thời điểm trước 2003, Website Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức bộ máy hoàn toàn mang tính chất kiêm nhiệm từ các đồng chí lãnh đạo ban biên tập cho đến phóng viên, biên tập viên ở đây đều mang tính kiêm nhiệm. Dó đó tính cập nhật thông tin rất chậm. TS Đào Duy Quát- Tổng biên tập website Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết thêm: "Trước đây, nội dung tiếng Anh thì đi nhờ ban Đối ngoại, bây giờ chúng tôi đã có 4 biên tập, với tốc độ biên tập từ 15 đến 20 tin tiếng Anh/ngày, khác hoàn toàn trước đây là 1 tuần/1 bản. Sắp tới website Đảng Cộng sản cũng có sẽ có các chuyên mục, do chính đội ngũ chuyên trách thực hiện." Đến một cách tổ chức chuyên nghiệp Đã và đang có một sự dịch chuyển nhân sự từ các tờ báo truyền thống: in, nói, hình sang báo điện tử. Có thể là biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên thậm chí ở mức cao hơn: thư ký tòa soạn. Cũng không hiếm chuyện các phóng viên tên tuổi cùng lúc cộng tác cho báo in và báo điện tử, thậm chí chuyển đổi sang môi trường mới: Internet. Sự dịch chuyển đó không chỉ thể hiện một sức hút của một môi trường làm việc mới, đầy thách thức, mà bản thân việc làm báo điện tử cũng đem lại một nguồn thu nhập không nhỏ cho các biên tập viên, phóng viên. Một số vị trí quan trọng như tổng thư ký toàn soạn, mức lương có thể dao động từ 10 đến 20 triệu đồng/tháng, thật hấp dẫn phải không quý vị? Tất nhiên, điều kiện làm việc ưu đãi nói trên chỉ tồn tại ở một vài tờ báo điện tử hoạt động chuyên nghiệp. Còn với các báo điện tử làng nhàng, hay có người dị ứng chỉ muốn gọi là trang thông tin hay website, dù bản chất không có gì thay đổi, thì công việc làm báo điện tử vẫn chỉ được xem hoặc cần phải dừng lại ở mức biên tập, cắt dán thô sơ. May mà, những tờ báo điện tử như vậy dần một ít đi hoặc dần một biến chuyển theo hướng tích cực. Trưởng ban Nhân dân Điện tử Lê Nghiêm khẳng định: "Công việc biên tập là công việc thầm lặng, làm từ sáng sớm, từ mờ sáng đến nửa đêm. Tôi ví dụ như để có được một bản tin bóng đá có thể biên tập viên sẽ phải làm suốt cả đêm để bạn đọc có bài báo để đọc vào sáng sớm hôm sau. Có thể 1 số anh em khai thác thông tin trên mạng để viết thành bài, công việc đó đòi hỏi rất cần cù, chăm chỉ và vất vả. Nếu không có đãi ngộ tương xứng rõ ràng không thể nào khuyến khích anh em làm việc tốt được". Còn Tổng biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế thì khẳng định: "Ở cơ quan báo Thanh Niên, thu nhập giữa phóng viên báo giấy và báo điện tử không chênh lệch. Bởi vì vừa phải biên tập lại phải có kỹ năng xử lý kỹ thuật để đưa lên mạng. Công việc đó cũng vất vả lắm. Kể cả những bài báo lấy từ báo giấy để đưa lên, anh phải biên tập từ tít, tựa cho đến nội dung bài vở sao cho phù hợp với bạn đọc Internet, bắt buộc phải có gia công biên tập. Thu nhập, lương bổng giữa người làm điện tử và người làm báo viết ở đây không chênh lệch - trung bình. Với báo điện tử, tôi nghĩ thu nhập thấp nhất của biên tập viên cũng phải được 3,4 hay 5 triệu đồng/tháng". Bản thân báo điện tử đã là một mô hình truyền thông mới, việc kiếm tìm các hình thức phát triển, các hướng đi theo hướng chuyên nghiệp cũng mới mẻ không kém. Trong xu hướng đó, đã xuất hiện nhiều cách thức tổ chức, vận hành bộ máy biên tập sao cho có hiệu quả nhất. Các tờ chuyên nghiệp như Vietnamnet, VnExpress, phóng viên, biên tập viên thường được giao chuyên trách theo các mảng chuyên đề như: Thể thao trong nước; Thể thao quốc tế; Giáo dục; Kinh tế… Nguồn thu nhập ngoài lương, còn có định mức quota, thưởng vượt quota… Với các ấn bản điện tử của báo in, cũng đã có nhiều hình thức khuyến khích phóng viên báo in tham gia viết bài cho báo điện tử. Ông Bùi Bình Thiết - Phụ trách Người Lao động điện tử cho biết: "Vì báo điện tử là báo giờ, cạnh tranh từng giờ một. Chúng tôi phải có hình thức để khuyến khích phóng viên đưa tin, bài sớm: Thứ nhất, những thông tin viết gửi cho báo điện tử trước 13 giờ sẽ được trả 50% nhuận bút. Khung nhuận bút lấy từ báo giấy. Tin đó sau sẽ tiếp tục đăng ở báo giấy và được trả nhuận bút 100%. Như vậy, người nào viết bài gửi cho báo điện tử sẽ sớm nhận nhuận bút bằng 150% báo giấy". Báo Nhân dân Điện tử cũng có những hình thức khuyến khích phóng viên viết bài cho báo điện tử hấp dẫn không kém, Trưởng ban Nhân dân Điện tử Lê Nghiêm cho biết: "Khi phóng viên đi đưa tin về một sự việc nào đấy có thể viết một bài cho 2 ấn phẩm khác nhau. Đưa tin hay 2 bài anh viết cho 2 tờ báo là không hoàn toàn giống nhau". Một thực tế chung của giới làm báo điện tử trên thế giới là vừa đi, vừa tìm đường. Đương nhiên, trên con đường chuyên nghiệp hóa đó, đã và sẽ còn nhiều vấn đề nảy sinh./.