Web 2.0 - Con Đường Phía Trước


Gần một năm đã qua kể từ khi Tom O’Reilly có bài viết nổi tiếng về Web 2.0 (What’s Web 2.0), rất nhiều trang web 2.0 đã lần lượt ra đời với những thành công và thất bại. Còn bản thân tôi đang viết bài viết này trên Writely.com, một trong những dịch vụ web 2.0 thành công và hữu ích nhất (theo đánh giá của tôi). Nhìn lại những thành bại của web 2.0, có thể thấy không có con đường rải hoa hồng cho bất kỳ một công nghệ nào dù nó có được tung hô đến đâu. Cái cuối cùng còn lại sẽ là những gì thực sự có giá trị. Bài viết này là một cái nhìn lại và thử xem con đường phía trước của các dịch vụ web 2.0 như thế nào.
Web 2.0 từ đâu đến?
Web 2.0 không ra đời từ chỗ “hư không”, đó là sự biến đổi từ lượng (được tích tụ) thành chất, là sự phát triển từ nền tảng web 1.0 còn “sống sót” sau cơn hồng thủy mà người ta quen gọi là quả bong bóng dot-com năm 2001 dẫn tới sự sụp đổ của hàng loạt các công ty cung cấp các dịch vụ trên Internet. Đó là một cơn khủng hoảng tồi tệ và buộc các nhà đầu tư mạo hiểm (venture capitalist) phải thay đổi cách đầu tư vào công nghệ. Câu hỏi đầu tiên cho bất kỳ một dịch vụ web nào mới ra đời không còn là “Triển vọng của dịch vụ này thế nào?” mà là “Dịch vụ này sẽ kiếm tiền bằng cách nào?” - không nhiều người có thể trả lời rõ ràng và tự tin cho câu hỏi này trừ một đó chính là Google.
Google, cỗ máy tìm kiếm phổ biến nhất hiện nay, lặng lẽ thoát ra khỏi quả bong bóng dot-com và chỉ chính thức cổ phần hóa vào năm 2004. Từ đó đến nay giá cổ phiếu của Google đã tăng gần 4 lần và là một trong những cổ phiếu công nghệ hấp dẫn nhất. Trả lời cho câu hỏi “tiền ở đâu?” của Google là AdSense: quảng cáo theo ngữ cảnh, dịch vụ đã góp hơn 95% trong tổng doanh thu khoảng 1,6 tỷ USD (dự đoán năm 2006) của công ty. Nhưng sẽ thật sai lầm nếu bạn nghĩ AdSense chỉ đơn thuần là những quảng cáo trên trang tìm kiếm Google, thực tế bạn có thể bắt gặp AdSense trên bất kỳ trang web nào, ví dụ trên BetaNews.com:
Vì thế, nếu bạn đăng ký quảng cáo trên Google, quảng cáo của bạn sẽ có cơ hội có mặt trên nhiều trang web khác. Adsense không tính phí trên mỗi quảng cáo mà tính phí theo số lần người xem nhấp chuột vào quảng cáo (pay-per-click) và số phí thu từ quảng cáo sẽ được chia giữa Google và trang web đặt quảng cáo mà người xem vừa nhấp chuột. Sáng kiến này đã tạo nên một hệ thống hỗ tương (ecosystem) và mang lại nhiều lợi ích cho tất cả các bên tham gia.
Bài toán “tiền ở đâu?” đã đươc Google giải trọn vẹn và hơn thế nữa nó còn giải bài toán này cho nhiều trang web khác, những trang web có rất nhiều nguời truy cập nhưng lại không có cách nào kiếm tiền từ người dùng. Với Adsense, càng nhiều người truy cập thì sẽ càng có nhiều người nhấp vào quảng cáo (tất nhiên là để xem quảng cáo) và chủ trang web sẽ càng có cơ hội kiếm được nhiều tiền. Đây là động lực lớn để các trang web hướng dịch vụ ra đời và tạo nên trao lưu web 2.0.
Tất nhiên không thể không thể không đề cập tới sự bùng nổ của blog và sự xuất hiện của Wikipedia, nơi mọi người đều có thể tự biên tập và tự đánh dấu thẻ (tag) vào các biên tập của mình (xin xem chi tiết hơn trong bài viết Tiên đề của web 2.0). Một yếu tố thuần túy mang tính kỹ thuật thúc đẩy các trang web 2.0 phát triển là khả năng làm việc trên trang web giống như trên các ứng dụng văn phòng (Word, Excel…) với sự trợ giúp của công nghệ AJAX (xin xem bài Ajax -The technology you CANNOT miss).
Tóm lại, web 2.0 “đến” từ sự tích tụ của các giải pháp tài chính, sự xã hội hóa web và sự chín muồi của công nghệ web. Vậy web 2.0 sẽ đi tới đâu?
Web 2.0 sẽ đi tới đâu?
Có thể là cực đoan khi nói rằng “Web 2.0 sẽ đào mồ chôn các ứng dụng truyền thống“, nhưng sẽ không có gì ngạc nhiên khi xu hướng ấy đang diễn ra. Vì sao tôi viết bài này trên Writely.com thay vì trên Microsoft Word? Không phải vì tôi là người nghiền web 2.0 mà vì các lý do sau:
Tôi viết bài này một phần tại văn phòng, một phần tại nhà và tôi không muốn phải chép đi chép lại vào USB disk mỗi ngày. Mỗi khi cần viết tiếp tôi chỉ cần mở Firefox hay IE và làm việc.
Writely tự động lưu bài viết sau mỗi 5 giây mà hoàn toàn không làm gián đoạn việc viết lách nên khả năng mất dữ liệu là rất thấp (bạn có thể cấu hình cho Word làm điều tương tự, nhưng tôi tin là bạn sẽ chán ngấy với tốc độ lưu chậm chạp của nó).
Tôi viết khá nhiều và viết về nhiều chủ đề khác nhau. Việc tìm kiếm một bài viết trong Windows vừa chậm vừa vất vả. Với Writely tôi có thể tag các bài viết theo chủ đề và tìm kiếm nhanh như… Google!
Nếu cần, tôi có thể lưu bài viết này thành dạng .doc, rich text, open document hay .pdf.
Cuối cùng là cái quan trọng nhất, tôi có thể xem truớc (preview) và đưa bài viết này lên blog của mình chỉ với một thao tác.
Tất nhiên, hiện tôi vẫn còn cần dùng Word cho các tài liệu phức tạp, nhưng chắc chắn tôi sẽ không có ý định dùng nó để viết bài, viết blog, đặc biệt kể từ khi Google mua lại Writely - một sự đảm bảo cho sự ổn định và tin cậy của dịch vụ Web 2.0 này.
Các dịch vụ web 2.0 mới ra đời gần như mỗi tuần, có những dịch vụ hết sức phức tạp về mặt công nghệ nhưng hầu hết là các dịch vụ đơn giản, chỉ tập chung cho một mục đích rõ ràng. Nếu bạn muốn chia sẻ hình ảnh hay video bạn có thể tìm đến Flickr, YouTube, nếu muốn đọc tin tức tổng hợp thì các web 2.0 rất tốt là Netvibes, FeedBurner, muốn ghi nhớ một bài viết hay địa chỉ web thì không thể bỏ qua del.icio.us, digg… Sẽ phải mất cả ngày (hmm, thực tế là sẽ mất rất nhiều ngày) để dạo quanh hết các gian hàng web 2.0 nhưng tất cả đều có một đích đến là giúp người dùng làm mọi thứ trên web và thay thế các ứng dụng truyền thống.
Những dịch vụ web 2.0 thành công sẽ không phải là những phiên bản bắt chước hay “làm tốt hơn” những ứng dụng desktop mà là những cái cung cấp trị giá gia tăng dựa trên ưu thế của internet như tính liên thông, tính phân tán… của mạng toàn cầu này. Nói một cách dễ hiểu, tôi dùng Writely không phải vì nó “tốt hơn” MS Word về các tính năng như định dạng, kiểm tra chính tả… mà vì nó có khả năng kết hợp với các dịch vụ khác trên mạng như blog và quan trọng hơn là vì tôi có thể sử dụng nó ở bất cứ đâu có kết nối. Cá nhân tôi đặt cược rằng các trang web tương lai sẽ là các mash-up ở hình thức này hay hình thức khác, tức là các dịch vụ web kết hợp từ nhiều nguồn khác nhau.