Ebay nói về thương mại điện tử ở Việt Nam

Thương mại điện tử là chủ đề đang được nhắc đến nhiều nhất trong ngành công nghệ công tin (CNTT), đặc biệt là sau khi trang web kinh doanh trực tuyến eBay chính thức có mặt ở Việt Nam tại địa chỉ www.ebay.vn.

Từ C2C...
Mua bán trực tuyến giữa các cá nhân với nhau, hay còn gọi là C2C (Customer to Customer), không còn là chuyện xa lạ với người sử dụng Internet tại Việt Nam. Một trong những trang web đầu tiên trong lĩnh vực này là muabanraovat.com. Đúng như tên gọi, trang web này chỉ đơn thuần là nơi dán các mẩu rao vặt ; muốn mua hàng thì người mua phải gặp hay liên lạc trực tiếp với người bán theo thông tin trên mẩu rao vặt đó. Như vậy, người mua mới yên tâm về chất lượng hàng và người bán mới xác định được phương thức người mua sẽ thanh toán.
Trang web C2C của eBay không đơn giản như vậy mà thực hiện việc mua bán qua phương thức đấu giá ; người sử dụng phải đăng ký tài khoản thì mới tiến hành giao dịch được. Cách làm này giúp giải quyết vấn đề pháp lý cho cả hai bên liên quan đến chất lượng hàng hóa, thanh toán và phương thức vận chuyển, trong đó nổi bật lên vai trò của eBay như một nhà môi giới kinh doanh có thẩm quyền và năng lực.
Về việc thanh toán chẳng hạn, eBay có một nguồn vốn mạnh đủ để giải quyết những tranh chấp về thanh toán giữa các cá nhân mua bán. Trong trường hợp có người từ chối nhận món hàng đã mua trên mạng vì chất lượng của nó không đúng như quảng cáo, eBay có thể trả tiền lại cho người đó. Các trang web C2C ở Việt Nam hầu như không làm được điều này vì không kiểm soát được việc thanh toán của khách hàng và không có nguồn tài chính đủ mạnh.
Cách thức giao hàng là một trở ngại cho việc phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam. Do chưa có tiêu chuẩn giao nhận hàng nên các trang web C2C thường tự tổ chức mạng lưới vận chuyển hoặc sử dụng dịch vụ bưu chính. Hình thức phổ biến trong những trang web “rao vặt” là người mua và người bán tự thỏa thuận với nhau về cách thức giao nhận.
... Đến B2C
Nói eBay là một trang web C2C thì chưa đầy đủ. Trên trang web này có không ít công ty chào bán hàng hóa và thậm chí công ty làm chủ eBay cũng trữ một lượng hàng đáng kể. Vì vậy, tính chất C2C của eBay đã từ lâu bị pha trộn và nói cho đúng thì đây là trang web thương mại điện tử B2C (Business to Customer), tức doanh nghiệp bán hàng cho người tiêu dùng.
Việt Nam cũng không thiếu những trang web bán hàng B2C dạng siêu thị trên mạng, siêu thị trực tuyến và phương thức kinh doanh này đang ngày càng phát triển, ngày càng hoàn thiện. Các trang web B2C có tên tuổi hiện nay bao gồm btsplaza.com, 123mua.com.vn, gol.com.vn... Nhưng theo đánh giá của một vài chuyên gia trong ngành, thương mại điện tử B2C tại Việt Nam vẫn còn vướng mắc ở ba điểm : nguồn hàng, phương thức giao nhận và phương thức thanh toán.
Trước tiên, để thu hút được khách hàng thì các siêu thị trên mạng phải có nguồn hàng dồi dào và phong phú có giá cả cạnh tranh. Muốn được như vậy thì siêu thị trực tuyến phải có nguồn cung cấp hàng hóa đều đặn và bán theo giá sỉ. Doanh nghiệp chủ của trang web B2C do đó phải mạnh vốn, thậm chí phải ứng vốn cho nhà cung cấp để có được mức giá cạnh tranh. Hiện nay, các siêu thị lấy hàng theo giá sỉ từ các nhà cung cấp và hưởng 20-25 % trên doanh thu bán ra. Siêu thị hàng hóa trên mạng muốn hoạt động có hiệu quả thì cũng phải có mức lợi nhuận tương tự.
Và những trở ngại còn đó
Cho dù công ty kinh doanh điện tử B2C có được mạng lưới cung cấp hàng rộng rãi và vững mạnh thì việc vận chuyển và giao số hàng đó tới người mua sau khi kết thúc giao dịch trên trang web B2C vẫn không dễ dàng. Liệu doanh nghiệp bán hàng B2C có bảo đảm được chất lượng hàng hóa sẽ không thay đổi trên đường đến tay người tiêu dùng hay không và nếu không thì việc bồi thường sẽ như thế nào, có viện tới pháp luật hay không ? Hệ thống vận chuyển hàng hóa của một trang web B2C phải không bị giới hạn về địa lý thì mới mở rộng được thị trường. Dù vậy, so với phương thức C2C vốn là giao dịch riêng lẻ giữa các cá nhân với khối lượng nhỏ, B2C có lợi thế liên kết giữa công ty kinh doanh trực tuyến với các công ty giao nhận và có thể nhận được sự hỗ trợ của các công ty này.
Khó khăn trong khâu thanh toán trên B2C cũng không khác gì so với C2C. Người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn tâm lý ngại sử dụng thẻ thanh toán trên mạng vì sợ bị mất thông tin. Trở ngại tâm lý này chỉ có thể khắc phục dần dần khi hoạt động của các trang web thương mại điện tử có tính năng bảo mật cao và kinh doanh trung thực, được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng. Một hành lang pháp lý điều chỉnh các hành vi giao dịch điện tử, cho phép những doanh nghiệp và cá nhân tham gia kinh doanh trên mạng được khởi kiện ra tòa án những hành vi lừa đảo làm hại đến quyền lợi chính đáng của mình, cũng là yếu tố quyết định trong việc xây dựng lòng tin trong thanh toán điện tử.
Tuy chưa có nhiều hàng hóa nguồn gốc từ Việt Nam trên trang web www.ebay.vn, nhưng sự gia nhập của eBay đang thổi luồng gió mới vào ngành thương mại điện tử. Đây có thể là bước mở màn của một cuộc cạnh tranh công bằng nhưng không êm ả giữa các công ty thương mại điện tử trong nước với eBay. Giới thương mại điện tử cũng không khó khăn gì khi nhận ra rằng gia nhập WTO không chỉ mang eBay đến Việt Nam mà sẽ còn là nhiều tên tuổi lớn khác nữa.

Theo TBVTSG